Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh Lai Châu có 461.653 ha rừng, trong đó có 429.221 ha rừng tự nhiên, 19.396 ha rừng trồng… Diện tích đất có rừng tập trung chủ yếu ở những địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, xa khu dân cư, nguồn vật liệu cháy tích tụ trong rừng rất dễ bắt lửa và khi cháy lan rất nhanh.
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt song vẫn có một số vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật xảy ra do ý thức người dân chưa cao, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thời tiết rét đậm, rét hại, khô hanh kéo dài đúng vào thời điểm người dân đốt nương làm rẫy. Đến nay, một số huyện: Than Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ đã xảy ra một số đám cháy thảm thực vật.
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt song vẫn có một số vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật xảy ra do ý thức người dân chưa cao, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thời tiết rét đậm, rét hại, khô hanh kéo dài đúng vào thời điểm người dân đốt nương làm rẫy. Đến nay, một số huyện: Than Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ đã xảy ra một số đám cháy thảm thực vật.
Bà con xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) làm đường băng trắng cản lửa. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo cơ quan Kiểm lâm, Công an, Quân đội và lực lượng liên quan có kế hoạch trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chuẩn bị lực lượng, vật tư trang thiết bị, hậu cần thường trực sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách nếu có cháy rừng xảy ra. Đối với các huyện có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, cấp ủy và chính quyền tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, có quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và hành vi dùng lửa trái quy định; hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ và tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện quy định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Người dân xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) phát dọn thực bì phòng cháy rừng. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Biển cho biết, với phương châm phòng là chính, chủ động trong mọi tình huống, chữa cháy kịp thời, tích cực chủ động ứng cứu nhanh hiệu quả, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong đó gắn trách nhiệm của chủ rừng, người dân. Các ngành triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường lực lượng tại các xã trọng điểm, khu vực có nguy cơ xả ra cháy rừng cao; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu đã quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có với việc xây dựng các phương án quản lý rừng theo quy định; bố trí lực lượng tăng cường tại các xã vùng trọng điểm có nhiều rừng, địa bàn giáp ranh; tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở. Nắm bắt, theo dõi, dự báo, cảnh báo tình hình cháy rừng, thường xuyên đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để các lực lượng và người dân chủ động phòng cháy chữa cháy rừng.
Người dân thị trấn Than Uyên (Lai Châu) chủ động phát quang bụi rậm dễ gây cháy để phòng chống cháy rừng mùa khô hanh. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Huyện Mường Tè là địa phương có diện tích rừng lớn nhất trong tỉnh Lai Châu, từ đầu mùa khô đã chú trọng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và thành lập 126 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản. Huyện đã phân vùng trọng điểm và bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, giám sát công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ đó, toàn bộ hơn 167.572 ha diện tích rừng của huyện Mường Tè luôn được bảo vệ tốt, vài năm gần đây không có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra; tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,79%.
Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: Người dân đã nâng cao nhận thức việc giữ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần tăng tiền chi trả chính sách từ dịch vụ môi trường rừng. Do vậy, bà con đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn thực hiện tốt cam kết bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng như: Không đốt nương, không mang lửa vào rừng, chủ động thu dọn thực bì, phát đường băng cản lửa… Vào mùa khô hanh, huyện có công văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác tác phòng cháy chữa cháy rừng; đặc biệt không để các vụ cháy rừng xảy ra làm ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên.
Cán bộ xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) tăng cường công tác tuyên truyền người dân bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Tỉnh Lai Châu có khoảng 13.000 ha cây cao su, mùa hanh khô đang vào mùa rụng lá tạo lên lớp thảm thực vật dày rất dễ gây cháy. Các Công ty Cổ phần cao su như: Lai Châu, Lai Châu II, Dầu Tiếng - Lai Châu xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy trong từng đơn vị, nông trường, tổ để kịp thời xử lý các tình huống cháy xảy ra. Công ty cao su phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân vùng có cây cao su; tổ chức ký cam kết thực hiện với các hộ dân có nương liền kề với vườn cao su trong việc đốt nương.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ: Công ty có 6.952 ha cao su đã hoàn thiện việc phát dọn bờ lô, thực bì, làm đường băng trắng. Đơn vị đã xây dựng biển tường, biển cấm, chòi canh lửa, mua sắm công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chữa cháy; kiện toàn và tăng cường lực lượng trực cháy thực hiện tốt công tác tuần tra, canh gác bảo vệ các lô đồi cao su.
Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và người dân ở Lai Châu trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, sẽ hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo nguồn thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân.
Việt Hoàng