"Kỹ sư chân đất" Vũ Văn Dung và những sáng chế nông cụ hữu ích

"Kỹ sư chân đất" Vũ Văn Dung và những sáng chế nông cụ hữu ích

Không học qua trường lớp chuyên môn nhưng ông Vũ Văn Dung (sinh năm 1964, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã sáng chế nhiều nông cụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao năng suất, tiết kiệm sức lao động.

"Kỹ sư chân đất" Vũ Văn Dung và những sáng chế nông cụ hữu ích ảnh 1 Ông Vũ Văn Dung với nông cụ do ông sáng chế. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Ông Vũ Văn Dung sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuần nông, học chưa hết lớp 5. Với niềm đam mê kỹ thuật, ông Dung đã đi học nghề sửa chữa máy móc, vừa để mưu sinh vừa được học nghề. Hằng ngày tiếp xúc với máy móc, nghề cơ khí, ông Dung ngày càng yêu thích, đam mê sáng kiến khoa học kỹ thuật.

Năm 2014, Yên Mạc mưa lớn đúng thời điểm người dân thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ruộng đồng lầy lội, máy gặt không thể tiếp cận, tự mình trải nghiệm đồng thời chứng kiến cảnh bà con "vật lộn" dưới vùng ruộng trũng, gặt tay rồi bó thành từng bó lội vác lên bờ, ông Dung thầm nghĩ không thể mãi "bán sức" như vậy, chỉ có cách vận dụng máy móc vào để giải phóng sức lao động. Ông đã lên ý tưởng cho chiếc máy tời lúa.

Chưa từng qua trường lớp chuyên môn, ông Dung mất không ít thời gian tìm hiểu nguyên lý vận hành, phân tích ưu, nhược điểm của máy tời đã có trên thị trường từ đó áp dụng vào sản phẩm của mình cho phù hợp điều kiện thực tế. Sau hơn 2 tháng mày mò, chiếc máy tời lúa ra đời trong niềm hạnh phúc của người sáng chế và bà con. Thay vì phải mất một buổi, với ba sào lúa, ông chỉ dùng một tời kéo là xong. Máy tời của ông gọn nhẹ, thuận tiện cho người dân di chuyển, ngoài ra, chúng còn thiết kế thêm một ống vòi để tận dụng thành máy bơm. Sản phẩm đầu tiên được bà con ủng hộ nhiệt tình, chiếc máy "thử sức" ban đầu đã trở thành nông cụ bán chạy bậc nhất. Trong vòng một năm, hàng trăm chiếc máy tời được bán ra, vừa giảm sức lao động của nông dân vừa mang tới nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.

"Kỹ sư chân đất" Vũ Văn Dung và những sáng chế nông cụ hữu ích ảnh 2 Ông Vũ Văn Dung với những nông cụ do ông sáng chế giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm sức lao động. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Thành công của máy tời lúa là động lực để ông sáng chế nhiều hơn nữa. Năm 2015, ông Dung lại sáng kiến máy cấy tận dụng vật liệu từ những chiếc xe máy, xe đạp cũ, hỏng. Ưu điểm của máy cấy không động cơ là không tốn nhiên liệu, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được cố định. Máy chỉ nặng 25 - 30 kg, dễ vận chuyển, sửa chữa, sử dụng được trên nhiều loại đồng đất, mỗi giờ cấy được một sào.

Trong các năm 2015 - 2016, chiếc máy cấy lúa không động cơ giúp ông Dung nhận "cơn mưa" giải thưởng như, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được tôn vinh là một trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp; Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình công nhận là sáng kiến cấp tỉnh… Ông Dung còn đoạt nhiều giải thưởng khác như: Giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt năm 2017; Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII với sản phẩm máy cày đa chức năng... Ông Dung đã cho ra đời thêm hàng loạt nông cụ như, máy bơm đa năng, máy cắt thức ăn gia súc, máy thái chuối...

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mạc, huyện Yên Mô đánh giá, ông Vũ Văn Dung thường được người dân quanh vùng gọi là "kỹ sư chân đất" bởi những sáng kiến khoa học kỹ thuật của ông giúp ích rất nhiều cho bà con. Hàng loạt nông cụ với giá thành rẻ hơn so với thị trường nhưng sản phẩm lại phù hợp đồng đất nông nghiệp của Việt Nam do ông Dung sáng chế không chỉ được người dân quanh vùng biết đến mà nhiều bà con tỉnh ngoài tìm đặt mua. Với những sáng kiến kỹ thuật, ông Dung đạt được nhiều giải thưởng, Bằng khen cấp tỉnh, Trung ương và là tấm gương sáng về tinh thần học tập, sáng tạo.

Gian hàng sửa xe máy nhỏ của ông Dung năm nào giờ đây đã phát triển thành xưởng cơ khí rộng 100 mét vuông chuyên chế tạo máy móc nông nghiệp. Từ đây, hàng trăm nông cụ được bán ra mỗi năm, không chỉ phục vụ bà con trong xã, trong tỉnh mà còn xuất đi nhiều địa phương khác trên cả nước. Hiện nay, xưởng cơ khí của ông Dung có 3 lao động đang làm việc với mức thu nhập ổn định. Chia sẻ về dự định thời gian tới, ông Dung cho biết sẽ nghiên cứu để áp dụng công nghệ 4.0 vào máy móc, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động cho bà con.

Hải Yến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm