Anh Đinh Văn Sơn - Nhà sáng chế “chân đất”

Anh Đinh Văn Sơn - Nhà sáng chế “chân đất”
Anh Sơn đang sản xuất máy. Nguồn ảnh: baolongan.vn
Anh Sơn đang sản xuất máy. Nguồn ảnh: baolongan.vn

Sinh ra trong một gia đình truyền thống làm nghề nông, anh Đinh Văn Sơn chỉ học hết lớp 6 trường làng, rồi cùng cha mẹ quần quật quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chính những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh đã giúp anh Sơn nảy sinh suy nghĩ làm thế nào để bản thân và người nông dân vẫn làm nông nghiệp, nhưng đỡ vất vả hơn.

Những suy tư, ấp ủ ấy cứ mãi thôi thúc trong anh. Vào năm 2010, Nhà nước có chương trình hỗ trợ nghề cho nông dân, anh Sơn liền đăng ký học lớp hàn, tiện tại Trung tâm dạy nghề thuộc huyện Bến Lức (Long An). Trong thời gian gần 6 tháng tham gia lớp học, anh Sơn đã có những cải tiến đối với các phương tiện sửa chữa thông dụng. Chính những cải tiến này, anh đã được Ban Giám hiệu Trung tâm biểu dương và đưa những công cụ này áp dụng vào trong thực tế. 

Sau khi hoàn thành khóa học, anh Sơn tìm tòi để sáng tạo ra chiếc máy ép sấy cám viên. Với máy này, ngoài sử dụng cám gạo, cám, ngô, anh Sơn còn có thể dùng phế phẩm cá, súc sản chế biến của các công ty gần nhà hoặc cơm thừa của bếp nấu suất ăn công nghiệp hay tôm, cua, sò, ốc, rau củ quả từ các chợ…Với những nguyên liệu này, rất dễ tìm kiếm hay đánh bắt, giá rẻ còn có thể dùng tươi, ướt không cần phơi khô. Theo anh Đinh Văn Sơn, những thức ăn này được tự động đưa vào băng tải, qua hệ thống sấy từ 15-20 phút sẽ tạo thành viên cám khô. Trung bình một giờ, máy sản xuất được 60-80kg cám thành phẩm. Do chỉ cần một người pha trộn và vận hành máy, trừ giá nguyên liệu đầu vào cùng các chi phí phụ khác, trung bình giá thành thức ăn giảm từ 30-40%. Đồng thời, khi vận hành, máy còn có thể tiết kiệm điện năng, tăng năng suất, giảm thời gian cho người sử dụng. Từ đó, lợi nhuận của người dân cũng được tăng lên.

Anh Đinh Văn Sơn cho biết, bản thân cũng là nông dân, thấy ngành chăn nuôi, trồng trọt của nông dân mình gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu đầu vào và vấn đề ảnh hưởng môi trường. Việc sáng chế ra máy ép sấy cám viên vừa giải quyết được thức ăn đầu vào giá thành thấp, vừa tận dụng phế phẩm bên ngoài bỏ ra như tôm, cá, ốc bươu vàng, rau củ quả bị hư… cộng với phụ phẩm nông nghiệp như cám rất rẻ tiền để tận dụng, phối hợp làm ra viên cám.

Sau khi chế tạo chiếc máy ép sấy cám viên thành công, anh Đinh Văn Sơn cho ra đời máy tự vận hành hút rầy và côn trùng có hại trên đồng ruộng. Máy có nhiều ống được ghép lại với nhau như răng lược, khi di chuyển trên đồng, vừa đi vừa kéo theo dàn hút, đưa vào vị trí rầy nằm ở gốc lúa. Khi thao tác trên đồng, máy chuyển động sẽ khiến cây lúa rung nhẹ, rầy rơi ra, máy sẽ hút vào, không phải phun xịt. Hiện tại, máy có thể hút được khoảng 85% rầy trên đồng ruộng, 15% rầy còn lại sẽ tự rơi xuống nước và chết, thậm chí cả cào cào, châu chấu phá lúa cũng bị hút vào.

Những sản phẩm do anh Sơn chế tạo, đã được nhiều nông dân không những trong tỉnh và cả các tỉnh phía Bắc, miền Trung đến tìm hiểu và mua về sử dụng. Bà Hồ Thị Thu Vân - Phó chủ tịch UBND xã Long Cang cho biết: Những sáng chế của anh Sơn chủ yếu phục vụ cho người nông dân, hạn chế công lao động, chính quyền địa phương rất ủng hộ những sáng chế này. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân xã Long An  cũng đã giới thiệu đến Trung tâm Khuyến công của tỉnh Long An để hỗ trợ giới thiệu những sản phẩm của anh Sơn. Địa phương rất mong muốn những sản phẩm của anh Sơn thật sự đi vào trong cuộc sống và được nhân rộng ra nhiều các tỉnh, thành trong cả nước.

Với những sản phẩm của mình, anh Đinh Văn Sơn đoạt giải nhì cuộc thi "Sáng tạo nhà nông" do Hội Nông dân tỉnh Long An phát động với sản phẩm Máy cám thức ăn viên chăn nuôi năm 2011 - 2012 và năm 2012-2013; giải nhì toàn tỉnh trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần 3 năm 2013-2014  với sản phẩm phẩm Máy tự vận hành hút rầy kết hợp phun thuốc trên đồng ruộng và được dự thi cấp Trung ương; giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016. Đặc biệt, anh được mời tham dự Đại hội gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu 2015, dự  Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX tại Hà Nội…

Hiện những sản phẩm của anh Sơn đã có rất nhiều khách hàng đặt mua, không những ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, thậm chí có cả khách hàng ở các tỉnh xa như Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang… Đây là niềm vui và cũng là động lực để anh phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn trong tương lai. Anh Sơn phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui khi sản phẩm sát thực với người dân sử dụng có hiệu quả,  từ đó người dân ủng hộ và thương mại hóa được sản phẩm. Những sản phẩm nào được thương mại hóa, được nhiều người trưng dụng nên tôi rất tâm đắc và tiếp tục nghiên cứu thêm những chiếc máy khác”.

Được biết, nhân dịp dự Đại hội đại biểu Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm 2018 - 2023 lần này, anh Sơn tài trợ kinh phí cho 5 nhân công đến Thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác và thăm một số danh lam thắng cảnh tại tỉnh Ninh Bình. “Thành quả mình có được hôm nay, cũng chính là kết quả của tập thể tạo nên”, anh Đinh Văn Sơn vui vẻ, cho biết thêm.
Thanh Bình

Có thể bạn quan tâm