Di tích lịch sử cấp quốc gia Hang Co Phương. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Hang Co Phương hay Co Phường thuộc bản Sại là một hang núi do thiên nhiên kiến tạo trong lòng núi đá của dãy Pố Há. Trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hang Co Phương là kho, trạm quân lương và cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Nơi đây đã ghi lại dấu ấn của những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt và sự hy sinh quên mình để chi viện cho chiến trường của quân và dân ta..
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới anh linh các liệt sĩ. Để tiếp tục bảo tồn, cùng chung tay phát huy tốt các giá trị của Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Co Phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân xã Phú Lệ và huyện Quan Hóa cần nâng cao trách nhiệm, sớm xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, các cấp chính quyền, ban, ngành phải huy động các nguồn lực xây dựng Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Co Phương thành "địa chỉ đỏ" để nhân dân, du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu lịch sử, đưa di tích trở thành địa chỉ giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta.
Di tích lịch sử cách mạng Hang Co Phương được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận xếp hạng di tích Quốc gia. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Theo tài liệu ghi lại, đầu năm 1950, lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, Bác Hồ kêu gọi toàn dân chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để chuyển sang tổng phản công. Nhân dân Thanh Hóa hòa cùng đồng bào cả nước chuẩn bị sức người, sức của để phục vụ kháng chiến. Bản Sại, trong đó có hang Co Phương vừa là kho, trạm quân lương cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Lương thực, thực phẩm, vũ khí, ngoài việc chuyển bộ bằng xe đạp thồ còn được vận chuyển bằng thuyền ngược sông Mã. Tới khu vực xã Phú Lệ lòng sông cạn, thuyền bè đi lại khó khăn lại phải chuyển bằng đường bộ.
Vào khoảng 15 giờ ngày 2/4/1953, máy bay Pháp đã bất ngờ thay nhau quần đảo, thả bom tàn sát khu vực bản Sại làm nhiều thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, mở đường phục vụ các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Thượng Lào. Đặc biệt, hang Co Phương bị đánh sập, cửa hang bị vùi lấp khiến cho tiểu đội dân công gồm 11 cô gái (đều quê ở xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang tuổi 18, 20 đã hy sinh ngay tại chỗ. Chỉ một người duy nhất còn sống sót. Sau này chính quyền địa phương và thân nhân các liệt sỹ đã tính đến phương án di dời tảng đá lớn ở cửa hang để quy tập hài cốt các liệt sỹ, tuy nhiên việc tìm và xác định danh tính sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các thân nhân liệt sỹ và chính quyền đã thống nhất giữ nguyên vị trí mà tiểu đội nữ dân công đã yên nghỉ.
Hằng năm, vào ngày 2/4 (ngày giỗ chung) và ngày Rằm, mùng Một mỗi tháng, các ngày lễ, Tết, đại diện chính quyền địa phương, thân nhân liệt sỹ và người dân đều đến thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ. Đó cũng là sự tri ân của các thế hệ hiện nay đối với các bậc tiền bối đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, Di tích lịch sử cách mạng hang Co Phương đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2012, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích quốc gia vào ngày 28/3/2019. Điều này thể hiện sự tri ân và tôn vinh công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ từ phía Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là để nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, luôn nhớ đến những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.
Hoa Mai
TTXVN