Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ký kết Dự án Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều trong dân tộc thiểu số tại Việt Nam (Dự án).
Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng, một số nội dung chính của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng đánh giá, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 1 (2021 - 2025) được Quốc hội phê duyệt là hơn 137.000 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công tác dân tộc. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến mong muốn, thông qua Dự án này, công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiên cứu, giám sát đánh giá chính sách, năng lực tổ chức, hoạch định và thực hiện chính sách phát triển dân tộc thiểu số... từ Trung ương đến địa phương sẽ được tăng cường. Qua đó, đội ngũ cán bộ có thể hoạch định được chính sách, tham mưu giúp địa phương xây dựng được chính sách phù hợp, thực tế và đạt hiệu quả cao.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen tin tưởng, với tầm nhìn phát triển chung, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần sáng tạo sẽ biến chương trình mục tiêu quốc gia trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và các tỉnh để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và đồng bào dân tộc thiểu số trong nỗ lực quan trọng này", bà Caitlin Wiesen khẳng định.
Dự án nhằm tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Ủy ban Dân tộc, các tỉnh tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vào năm 2025 và năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.
Ở cấp quốc gia, Dự án sẽ hỗ trợ tạo ra không gian đổi mới và hệ thống khuyến khích, trách nhiệm giải trình đối với việc đạt được các kết quả của chương trình. Ở cấp địa phương, các tỉnh Sơn La, Lào Cai sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương, doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm, thử nghiệm các giải pháp sáng tạo và nhân rộng các giải pháp đã được thử nghiệm thành công để tăng tốc giảm nghèo đa chiều trên diện rộng.
Dự án sẽ triển khai dựa trên những thành công của các sáng kiến của UNDP tại Bắc Kạn và Đắk Nông. Tại các địa phương này, các hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ đã ứng dụng sàn thương mại điện tử, tiếp thị điện tử, thanh toán điện tử, tận dụng lợi thế của các sản phẩm hữu cơ và truyền thống của địa phương để mở rộng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.
Nhân dịp này, các đại biểu đã chia sẻ về các giải pháp sáng tạo nhằm tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ nữ dân tộc thiểu số từ các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Nông, Lào Cai và Sơn La đã chia sẻ các bài học về cách phát huy nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, các giải pháp sáng tạo giúp họ thoát nghèo.
Phan Phương