Toàn cảnh phiên họp sáng 23/10. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Cần thiết ban hành Luật
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày nêu rõ: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật... Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trên có nguyên nhân về thể chế, cụ thể là: đã có một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống… Do đó, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Kiến trúc gồm 4 chương, 37 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động kiến trúc, những hành vi bị cấm đồng thời quy định 2 chính sách chính là Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc.
Về Quản lý kiến trúc, dự thảo Luật quy định yêu cầu chung về quản lý kiến trúc; yêu cầu đối với kiến trúc đô thị; yêu cầu đối với kiến trúc nông thôn; quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc; điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng Kiến trúc Quốc gia; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; quản lý lưu trữ tài liệu.
Về Hành nghề kiến trúc, dự thảo Luật quy định về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; đạo đức hành nghề kiến trúc sư; quản lý thông tin hành nghề kiến trúc...
Quản lý kiến trúc đồng bộ, khả thi
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc như trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, đa số ý kiến thẩm tra thống nhất với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật như trong dự thảo vì cơ bản đã phản ánh được các chính sách về kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý, phát triển, hành nghề kiến trúc. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật về việc gìn giữ bản sắc kiến trúc Việt Nam; bảo tồn, phát huy kiến trúc các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nên chỉ tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc và theo đó tên gọi của Luật là Luật Kiến trúc sư.
Về yêu cầu quản lý kiến trúc, đa số ý kiến nhất trí với các quy định yêu cầu chung quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ.
Có ý kiến đề nghị, nếu phân loại theo đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội thì ngoài các đối tượng là đô thị và nông thôn thì trên thực tế còn có các đối tượng khác cũng cần được rà soát, quản lý kiến trúc (khu chức năng; khu vực giáp ranh; công trình có kiến trúc cần được bảo tồn nhưng chưa được công nhận di sản văn hóa; nông thôn trong đô thị; kiến trúc công trình tôn giáo, tín ngưỡng; kiến trúc quân - dân sự; hải đảo…). Nếu phân loại theo đặc điểm chuyên môn quản lý, các đối tượng có thể bao gồm: Kiến trúc công trình (nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp, kỹ thuật, nghệ thuật, quảng cáo…); Kiến trúc cảnh quan (không gian trước các tổ hợp kiến trúc, công viên, cây xanh, vườn hoa, mặt nước…); Kiến trúc không gian (không gian tổng thể).
Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến trên, làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc theo hướng vừa mang tính đại diện nhưng vừa đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quản lý và đáp ứng sự phát triển. Trên cơ sở phân loại, làm rõ đối tượng quản lý kiến trúc để xây dựng các yêu cầu và quy chế quản lý cho phù hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng: đô thị, nông thôn, khu phố cổ...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia (Điều 13), đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết ban hành quy định này vì cho rằng đây là một trong những công cụ cần thiết cho quản lý, phát triển kiến trúc nhằm phát huy khả năng chuyên môn của các chuyên gia đối với hoạt động có tính đặc thù cao và tác động xã hội lớn; đồng thời còn đóng vai trò phản biện về chuyên môn đối với các ý kiến của cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư. Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc vẫn đang hoạt động hiệu quả. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng; quy định linh hoạt hơn về thành viên và mở rộng hơn nhiệm vụ của Hội đồng.
Phan Phương