Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Sớm điều chỉnh tiền lương, chế độ, chính sách, nâng cao đời sống nhà giáo

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Sớm điều chỉnh tiền lương, chế độ, chính sách, nâng cao đời sống nhà giáo

Thảo luận tại Hội trường sáng 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục. Các ý kiến tập trung vào các nội dung: Vai trò của đại học trong công tác nghiên cứu, xây dựng thể chế; vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt các đại biểu cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Sớm điều chỉnh tiền lương, chế độ, chính sách, nâng cao đời sống nhà giáo ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phát huy vai trò tự chủ trong giáo dục đại học

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) nêu rõ đại học có vai trò rất lớn trong việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, giữ gìn và lan tỏa văn hóa, thúc đẩy quốc gia đổi mới sáng tạo; để thực hiện được sứ mệnh này cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn cho đại học. Trong đó, chính sách phát huy tự chủ đại học, phát huy vai trò của Hội đồng trường gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần được đặc biệt quan tâm.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, Hội đồng trường là thiết chế giúp cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng quản trị, giám sát và trách nhiệm giải trình. Thành viên Hội đồng trường quyết định khả năng triển khai hoạt động, thực hiện quản trị chất lượng, hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Tuy nhiên hiện có một số tồn tại, hạn chế khiến cho chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất và thực hiện đầy đủ chức năng của Hội đồng trường như thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức Hội đồng trường, việc giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, kiểm toán nội bộ…

Do đó, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99, trong đó đưa ra tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện để một cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ quy định cụ thể, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường gắn với trách nhiệm quyền hạn thể chế hóa nội dung Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học. Quy định phương thức công khai kết quả kiểm định và giám sát khách quan, chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Chính phủ nên ban hành Nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Trong đó, nhất quán với quan điểm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, quy định mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ cấu quản trị, điều hành, khung tổ chức và hoạt động, Bộ công cụ giám sát hoạt động bên trong cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Quy định rõ cơ chế chức năng giám sát của Hội đồng trường.

Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc phải làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Sớm điều chỉnh tiền lương, chế độ, chính sách, nâng cao đời sống nhà giáo ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hà Ánh Phượng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu nhiều nội dung quan trọng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài chính cho giáo dục, tự chủ đại học, chính sách cho nhà giáo…

Đề cập đến vấn đề đầu tư phát triển năng lượng tái tạo Hydrogen và năng lượng Amoniac xanh, đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là, quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết, tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo Hydrogen.

Bày tỏ đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ và tin tưởng cùng với công nghiệp bán dẫn, đại biểu cho rằng, đây sẽ là một định hướng chiến lược mang tính đột phá trong thời gian tới. Trong điều kiện nước ta có tiềm năng, lợi thế rất lớn về năng lượng tái tạo, đây cũng là xu hướng của thế giới, khi đã có tới khoảng 40 quốc gia xây dựng chiến lược Hydrogen với khoảng 500 dự án quy mô, giá trị lớn.

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình. Hiện nay, 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực cần có cho ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau, hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo Bộ trưởng, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

Về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển giáo viên cho các tỉnh, tuy nhiên, theo thống kê, các tỉnh vẫn còn 64 nghìn chỉ tiêu chưa dùng, vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, ở một số địa phương, không có nguồn tuyển để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu. Bộ trưởng cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo.

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu của chương trình giáo dục… Bộ trưởng cho biết, đây là sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.

Về việc soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, Bộ sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội…

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm