Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 18/2, với 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,86% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
![Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN potal-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7861304.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/a487b5a142bd583dcdccaa82adb958c2e4dd265795f31b76f90615daea428ef77cec8cde9a5c5bed6d5f99ba8d595594b994c4990a7a5980d7172a9cd638147d96ae70bfd861619bffd1986e7beca4c68c9b4f2c519ee72020ad355d814b86db2f1af6c58e31f105e4d6cd0342fe79f6/potal-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7861304.jpg)
Luật gồm 5 chương, 32 điều. Trước đó, ngày 13 và 14/2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này. Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, đối với việc bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, đặc biệt là các quy định về phân cấp, phân quyền để bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy định của Hiến pháp, các luật và dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này; đồng thời cần bổ sung nội dung việc phân cấp, phân quyền phải gắn với kiểm soát quyền lực và chống lạm quyền.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với quy định của Hiến pháp, các luật, dự thảo luật có liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các luật và trong hệ thống pháp luật.
Đối với các quy định về kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền đã được quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 6, khoản 3 và khoản 4 Điều 8, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 và các điều cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong dự thảo Luật.
Liên quan đến vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền (quy định tại các điều 7, 8 và 9), một số ý kiến đề nghị bổ sung giải thích khái niệm phân quyền, phân cấp, ủy quyền; làm rõ nội dung liên quan đến phạm vi, đối tượng, trách nhiệm của người phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nguyên tắc, điều kiện, trường hợp được phân cấp, phân quyền, ủy quyền; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan trung ương với địa phương trong việc phân cấp, phân quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung khái niệm phân quyền, phân cấp, ủy quyền tại khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật.
Đối với đề nghị làm rõ thêm các nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã được thiết kế đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về phân quyền, trong đó xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận quyền được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội; đối với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc phân quyền quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Về phân cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và xác định rõ về chủ thể phân cấp, chủ thể nhận phân cấp và trách nhiệm của các chủ thể này; cách thức thực hiện việc phân cấp. Trên cơ sở nguyên tắc phân cấp tại Luật này, khi thực hiện phân quyền, phân cấp, văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ xác định cụ thể các vấn đề không được phân cấp.
Về ủy quyền, các nội dung trong dự thảo Luật đã được thiết kế đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo đó xác định rõ chủ thể ủy quyền, chủ thể được ủy quyền và trách nhiệm của các chủ thể này; cách thức, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và các điều kiện mang tính nguyên tắc trong việc thực hiện ủy quyền. Những quy định nêu trên trong dự thảo Luật đã thể hiện yêu cầu mà đại biểu Quốc hội đã nêu...
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.
Hiền Hạnh