20 năm trồng một loại giống
Trong suốt hơn 20 năm qua, người trồng sắn ở huyện Đăk Tô chủ yếu trồng loại giống KM94. Giống này ưu điểm hợp thổ nhưỡng, dễ trồng, ít thâm canh, dễ thu hoạch khi củ sắn mọc ngang, củ không cắm sâu dưới lòng đất. Trong khi đó, giống mới tuy năng suất cao nhưng phải đầu tư nhiều. Với lợi thế như vậy nên người trồng sắn ở Đăk Tô chủ yếu trồng loại này trong suốt hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, đến niên vụ sắn 2017-2018, giống KM94 trên đã bắt đầu bị thoái hóa giống, bệnh chổi rồng tấn công mạnh cây sắn so với các năm. Cùng đó năng suất, chất lượng giảm hẳn. Theo những người trồng sắn tại Đăk Tô cho biết, ngay từ tháng 11/2017 các dấu hiệu của bệnh chổi rồng bắt đầu xuất hiện khiến cây sắn sinh trưởng kém, lá nhỏ, soắn lại, trên cây thường có các chồi phụ. Một số diện tích chưa thu hoạch, ngọn chết khô trên cây. Diện tích bị bệnh tập trung ở các hộ gia đình trồng bằng giống sắn KM94.
Diện tích sắn bị bệnh chổi rồng ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN |
Đến mùa thu hoạch, bệnh chổi rồng bùng phát trên diện rộng, nhiều nhà thua lỗ dù cây sắn được giá. Anh Nguyễn Văn Khởi ở thôn 2 xã Tân Cảnh bị thua lỗ dù năm nay cây sắn được gia cao. “Cây sắn bị bệnh chổi rồng khiến năng suất giảm từ 30 - 40% , lượng bột không có nên ảnh hưởng rất lớn đến gia đình chúng tôi vì thu nhập của gia đình chủ yếu bằng cây sắn.” anh Khởi thừa nhận.
Giữa tháng 4, khi cây sắn đang vào cuối vụ nhưng dọc các cánh đồng sắn ở Đăk Tô một số điểm vẫn chưa thu hoạch. Người dân để sắn lưu gốc năm 2. Tuy nhiên, một số gia đình không chăm sóc khi cây bị bệnh, thân cây còi, lá bị xoắn lại, ngọn chết khô. Đây là các diện tích bị bệnh chổi rồng. Với cây sắn bị bệnh chổi rồng năng suất và chất lượng sẽ giảm mạnh. Nhổ một số gốc sắn chưa thu hoạch củ quá nhỏ, chỉ to bằng ngón chân cái, củ nhủn, chủ yếu nước. Bẻ đôi củ sắn thì bên trong có dấu hiệu hư, củ đen ruột. Theo người dân, với các cây bị bệnh, nếu lưu gốc năm 2 thì người trồng sắn càng lỗ nặng vì củ sẽ hư, hoặc chất lượng, năng suất giảm rõ rệt. Ông A Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết, hiện người dân lo lăng vì cây sắn bị bệnh nặng, bệnh phát triển trên diện rộng dẫn đến năng xuất, chất lượng thấp, thu nhập giảm. Hiện nhiều hộ kinh tế rất khó khăn, chưa chuyển đổi được cây trồng vật nuôi khác, nhất là với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nên cây sắn vẫn là cây chủ lực của người dân trong thời gian tới. Hiện chính quyền xã rất lo lắng khi diện tích cây sắn bị bệnh chiếm 1/3 tổng diện tích toàn xã.
Kiểm tra diện tích sắn bị bệnh chổi rồng ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN |
Theo ông A Quang, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, Kon Tum thì sắn bị bệnh nguyên nhân chính từ việc sử dụng giống KM94. Đây là loại giống người dân ở Đăk Tô trồng trên 20 năm. Do lâu năm nên giống KM94 bị thoái hóa dần, dẫn đến bị bệnh chồi rồng. Bên cạnh đó một số bà con nông dân trong quá trình sản xuất, cũng ít đầu tư thâm canh, sức đề kháng cây yếu nên bệnh chồi rồng trên cây sắn phát triển mạnh. Khi cây sắn bị bệnh chổi rồng thì sắn phát triển kém, củ bị nhiều chất xơ, tinh bột thấp, hoặc không cho củ, chủ yếu là rể.Lo cho vụ sau Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô toàn huyện có tới gần 1.100 ha sắn bị bệnh chổi rồng, trong đó nặng nhất là xã Pô Kô với 410 ha, Tân Cảnh 350 ha, Kon Đào gần 200 ha... Tại những diện tích sắn bị bệnh chổi rồng, năng suất giảm từ 10 đến 30%, hàm lượng tinh bột giảm từ 20 đến 30%. Trước sự tàn phá và lây lan nhanh của bệnh chổi rồng, chuẩn bị cho niên vụ mới đã cận kề, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn rà soát giống, nhu cầu giống sắn cần hỗ trợ trên địa bàn huyện. Theo thống kê, hiện Đăk Tô có 3.050 ha nhân dân đã chuẩn bị giống sắn đảm bảo không bị bệnh chổi rồng để trồng mới trong năm 2018, còn lại hơn 700 ha các xã, thị trấn đề nghị huyện Đăk Tô hỗ trợ giống mới (KM140, KM98-5) cho nông dân trồng.
Kiểm tra diện tích sắn bị bệnh chổi rồng ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN |
Ngoài ra, theo ông A Quang, để tạo đều kiện cho nông dân trên địa bàn huyện có nguồn giống mới trồng, thay dần giống KM94 đang bị bệnh chổi rồng,phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện Đăk Tô lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ dân. Cụ thể, các xã, thị trấn sử dụng nguồn vốn chính sách hỗ trợ chương trình giảm nghèo bền vững. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thì hỗ trợ giống cho bà con; sử dụng nguồn vốn khuyến nông để hỗ trợ giống cho bà con như giống KM 140 và giống KM98/5 để thay thế giống KM94 bị bệnh. Các địa phương sử dụng 2 nguồn này để mà hỗ trợ cho một số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có điều kiện mua giống mới… Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Đãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum thừa nhận tìm nguồn giống sắn ở ngoài tỉnh, cụ thể là giống ở tỉnh Tây Ninh rất khó trong khi thời vụ trồng sắn đã gần. “Trước mắt, cần liên hệ với các xã khác trong tỉnh đã được đưa giống sắn Tây Ninh trong mấy năm qua để cung cấp giống cho bà con. Không dùng những hom giống đã bị bệnh làm giống cho năm sau. Khi trồng, có thể tác động bằng nhiệt để cho bào tử nấm chết đi hoặc canh tác thâm canh. Khi trồng sắn phải canh tác đúng kỹ thuật, tránh sói mòn đất, chống rửa rôi chất dinh dưỡng của đất nhằm cung cấp chất dinh dưỡng để cây có sức chống bệnh cao”, ông Vũ Văn Đãn cho biết. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trên giấy, con thực tế thì “giống tại địa phương mọi người đã chuẩn bị đủ. Tuy nhiên đủ trên góc độ lấy giống cũ để trồng, giống mới để thay thế chưa có. Nếu không tìm được giống mới thì người dân vẫn sử dụng giống cũ dù biết có bệnh, năng suất không cao. Bên cạnh đó, hiện đã đến thời vụ trồng, rất khó khăn trong việc chuyển đổi giống khác” anh Nguyễn Văn Khởi thừa nhận.
Cao Nguyên