Kon Tum lan tỏa nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số

Để bảo tồn, phát huy nét đẹp các giá trị truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số, trong hai ngày 4 - 5/10, UBND thành phố Kon Tum (Kon Tum) tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang lần thứ II, năm 2024.

vna_potal_lan_toa_net_dep_van_hoa_cua_nguoi_dan_toc_thieu_so_7634394.jpg
Cộng đồng người dân tộc thiểu số tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Tham gia Hội thi có 17 đội cồng chiêng, xoang với hàng trăm nghệ nhân đến từ các xã, phường trên địa bàn. Các đội đã trình diễn những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa, tái diễn lại các hoạt động đời thường; trình diễn nhạc cụ, làn điệu dân ca truyền thống, trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu. Cùng đó, 10 nghệ nhân tham gia trình diễn kỹ thuật, kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng, góp phần bảo tồn văn hóa của người dân tộc thiểu số.

vna_potal_kon_tum_lan_toa_net_dep_van_hoa_qua_hoi_thi_cong_chieng_xoang__7634406.jpg
Biểu diễn tại Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số lần thứ II, năm 2024. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Phan Ngọc Định cho biết, Hội thi là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, các dân tộc trên địa bàn được giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ nhau. Đây còn là dịp để thành phố Kon Tum quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên và tiềm năng, thế mạnh về du lịch đến du khách. Từ đó, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương.

vna_potal_kon_tum_lan_toa_net_dep_van_hoa_qua_hoi_thi_cong_chieng_xoang__7634395.jpg
Cộng đồng người dân tộc thiểu số tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu tại Hội thi cồng chiêng, xoang. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Văn hóa cồng chiêng, xoang được đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng xem như linh hồn sống và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, số lượng người biết đánh cồng chiêng hiện nay không còn nhiều như trước, đa số nghệ nhân tuổi đã cao. Thông qua các Hội thi, cộng đồng người dân tộc thiểu số vừa bảo tồn, phát triển bền vững được nét văn hóa đặc sắc, vừa là dịp để truyền lại cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc; hướng đến phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, xoang.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm