Kon Tum hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số đến trường

Trong năm học 2024-2025, tỉnh Kon Tum có 170.965 học sinh đến trường ở tất cả các cấp học; trong đó, có 102.045 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm 59,68%. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và lên phương án hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện để bước vào năm học mới.

vna_potal_kon_tum_no_luc_khac_phuc_tinh_trang_thieu_giao_vien_7025265.jpg
Để đảm bảo công tác dạy và học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon Tum) đã và đang từng bước nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước khi bước vào năm học mới. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Sẵn sàng cho năm học mới

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, toàn ngành hiện có 9.846 giáo viên. Số giáo viên còn thiếu ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh là 496 chỉ tiêu gồm: 160 chỉ tiêu cấp Mầm non, 208 chỉ tiêu cấp Tiểu học, 96 chỉ tiêu cấp Trung học Cơ sở và 32 chỉ tiêu cấp Trung học Phổ thông.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị rà soát, bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; thực hiện linh hoạt trong việc sắp xếp, phân công giáo viên dạy học bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ký hợp đồng với giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

vna_potal_kon_tum_no_luc_khac_phuc_tinh_trang_thieu_giao_vien_7025267.jpg
Do thiếu giáo viên, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Tin học được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum bố trí dạy tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Để đảm bảo chất lượng dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên, giáo viên chủ động, sẵn sàng thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đồng thời yêu cầu, các đơn vị giáo dục chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Đối với cấp Tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phấn đấu đạt 100% tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc tăng buổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh, nhất là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Năm học 2024-2025, tỉnh Kon Tum có 6.150 phòng học; trong đó được đầu tư xây mới bổ sung 151 phòng và 290 phòng được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa. Trang thiết bị dạy học đã được các trường học bổ sung, đáp ứng 45% so với thiết bị tối thiểu quy định. Sách giáo khoa, dụng cụ học tập của học sinh được trang bị từ nhiều nguồn, đảm bảo học tập. Nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đảm bảo để phục vụ công tác dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

vna_potal_kon_tum_no_luc_khac_phuc_tinh_trang_thieu_giao_vien_7025266.jpg
Trường Dân tộc nội trú Tiểu học Măng Cành tự tuyển dụng cô Thái Thị Kim Dung về giảng dạy môn tiếng Anh. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Phạm Thị Trung cho biết, để học sinh thích ứng với đổi mới trong các kỳ thi từ năm 2025, Sở đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho 380 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các nhà trường về công tác xây dựng đề kiểm tra đánh giá học sinh ở tất cả môn học. Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học chính khóa, dạy học buổi thứ 2, nhất là đối với học sinh lớp 12 phù hợp mới định hướng về cách ra đề mới từ năm học 2025.

Hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số đến trường

Năm học 2024 - 2025, huyện biên giới Đăk Glei có 30 trường với 524 lớp và 14.600 học sinh. Cô giáo Bùi Thanh Huệ - Trường Tiểu học và Trung học Cơ Sở xã Đăk Nhoong cho biết: Trước khi bước vào năm học mới, các cán bộ, giáo viên đã xuống từng thôn, đi từng nhà để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của học sinh. Từ đó, đưa ra hướng tuyên truyền, vận động phù hợp để phụ huynh quan tâm, chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập cho con em.

Thông qua nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, đã có 9.666 em là người dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Glei được hỗ trợ chi phí đi học. Huyện còn hỗ trợ sửa chữa lại 6 phòng học, bổ sung thêm bàn ghế, trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học của nhà trường; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao về chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

vna_potal_mang_tet_den_voi_hoc_sinh_vung_dan_toc_thieu_so_7209920.jpg
Tỉnh Đoàn Kon Tum tặng quà cho học sinh vùng dân tộc thiểu số tại xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Tại thành phố Kon Tum, ngành Giáo dục đã vận động các nhà tài trợ tặng bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho các em học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum Thái Khắc Hòa chia sẻ, ngành đã chỉ đạo các trường rà soát từng học sinh của từng cấp học, sàng lọc những trường hợp hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chủ động trong công tác vận động, quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn của từng đơn vị, tặng học bổng, tặng quà cho học sinh với số tiền gần 700 triệu đồng.

Bước vào năm học mới 2024-2025, tỉnh Kon Tum đã có những bước chuẩn bị chu đáo, tích cực cho học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số; qua đó, đảm bảo công tác dạy và học, hướng đến một năm học hiệu quả.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm