Theo thống kê của ngành nông nghiệp Kon Tum, toàn tỉnh hiện có trên 9.400 ha cây ăn quả; trong đó, một số loại cây có diện tích lớn như sầu riêng gần 1.600 ha, mít 929,8 ha, bơ 576,6 ha, cây có múi 1.087,8 ha, chanh dây 507,8 ha... Để phát triển bền vững, tránh tình trạng người dân trồng ồ ạt, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả Kon Tum, ngành nông nghiệp địa phương đang đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng.
Đẩy mạnh cấp mã vùng trồng
Hiện ngành nông nghiệp Kon Tum đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 15 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 287,51 ha; trong đó có 3 mã số vùng trồng cho mít Thái, 6 mã cho chuối, 6 mã cho sầu riêng. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp mã số cho 7 vùng trồng sầu riêng diện tích 159 ha; 2 vùng trồng chanh dây 27 ha. Hiện các hồ sơ này đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Ông Bùi Trung Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Chim - đơn vị có 35 ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng cho biết, việc cấp mã vùng trồng rất quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao cho hợp tác xã. Sau khi sản phẩm sầu riêng của đơn vị được cấp mã vùng trồng, việc xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc đã dễ dàng hơn.
“Khi xuất khẩu, giá trị nông sản của hợp tác xã đã tăng lên rõ rệt, tăng khoảng 7.000 - 10.000/kg sầu riêng. Không chỉ vậy, khách hàng tìm đến hợp tác xã nhiều hơn và cũng dễ dàng hơn” - ông Sơn khẳng định.
Bên cạnh cấp mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp Kon Tum cũng được Cục Bảo vệ thực vật cấp một mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là Cơ sở đóng gói chuối tươi xuất khẩu của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Duy Tân tại xã IaDom, huyện Ia H’Drai. Ngoài ra, đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho một cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu khác là cơ sở đóng gói chanh dây cho Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai.
Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đánh giá, việc công khai, minh bạch mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu có vai trò quan trọng, giúp đơn vị phối hợp với các địa phương giải quyết hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo vùng trồng, cơ sở đóng gói này luôn luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm “Nhật ký đồng ruộng”, phần mềm “Quản lý cơ sở đóng gói” để cập nhật đầy đủ thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Không để diện tích trồng tự phát tăng cao
Trên thực tế, Kon Tum chủ yếu phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê. Cây ăn quả chỉ mới được đưa vào trồng như một loại cây kinh tế chủ lực chỉ vài năm trở lại đây. Bằng chứng là trong số trên 9.400 ha cây ăn quả hiện nay, chỉ có khoảng 40 - 50% diện tích đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, so về số lượng, tổng diện tích cây ăn quả của Kon Tum vẫn còn thấp. Điều này giúp ngành nông nghiệp tỉnh sớm định hình được hướng đi cho cây ăn quả.
Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay, các loại nông sản sản xuất phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về số lượng và chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chủ yếu là xuất đi thị trường Trung Quốc theo quy định.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, hiện nay, tỉnh chưa xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp ồ ạt phát triển các loại nông sản xuất khẩu, không theo quy hoạch, khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Việc sản xuất trồng trọt cơ bản được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Ngô Hồng Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, địa phương này có trên 300 ha sầu riêng và hơn 120 ha chanh dây. Đa số người dân trồng sầu riêng của huyện đều được trồng xen trên diện tích tái canh cà phê, ít diện tích trồng thuần. Vì vậy, toàn bộ người trồng sầu riêng, chanh dây của huyện đều đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm.
“Ngành nông nghiệp huyện thường xuyên khuyến cáo trồng sầu riêng, chanh dây phải đảm bảo vùng thích hợp với loại cây này. Đồng thời, định hướng trồng theo vùng, từ 10 - 15ha để dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không trồng xen nhiều thứ để tránh ảnh hưởng bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật. Điều này sẽ đảm bảo được việc cấp mã vùng trồng và các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phục vụ cho mục đích xuất khẩu sau này”, ông Hưng chia sẻ.
"Tại Kon Tum, chưa xảy ra hiện tượng phát triển diện tích sầu riêng, chanh leo ồ ạt, thiếu kiểm soát; mặt hàng sầu riêng, chanh leo chưa xảy ra hiện tượng “dội chợ”. Thị trường tiêu thụ vẫn ổn định. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nhân dân trồng sầu riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên, lập địa của mỗi vùng sinh thái; theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn như an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Đồng thời, tỉnh đang triển khai chỉ đạo các địa phương xây dựng Bản đồ thổ nhưỡng cho từng loại cây trồng phù hợp với địa bàn từng huyện, thành phố; trong đó có cây sầu riêng, chanh leo" - ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum khẳng định.
Dư Toán