Ngày 11/4, Công an huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) thông tin, đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị Phạm Thị Nga (trú thôn 5, xã Hà Mòn) về việc bị đối tượng lạ lừa đảo, chiếm đoạt 32 triệu đồng.
Theo đơn trình báo, vào khoảng 19 giờ ngày 9/4, chị Phạm Thị Nga nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là quản trị viên một trang mạng xã hội có uy tín của huyện Đăk Hà. Đối tượng này biết được gia đình chị đang cần gấp một khoản tiền để điều trị bệnh cho con gái và tung tin giả là có một lãnh đạo huyện đã vận động hỗ trợ cho gia đình chị 15 triệu đồng.
Đối tượng đã yêu cầu chị cung cấp thông tin và lập tài khoản Zalo đăng tải hình ảnh các hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong nước để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu chị Nga đồng ý kết bạn qua tài khoản Zalo để thực hiện hành vi lừa đảo.
Vì cả tin, lại đang cần gấp một số tiền lớn để đưa con đi chữa bệnh tại Thừa Thiên - Huế nên chị Nga đã làm theo hướng dẫn của đối tượng. Chị cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng thanh toán trực tuyến, mã giao dịch điện tử để đối tượng thực hiện chuyển khoản.
Sau đó, chị phát hiện toàn bộ số tiền hơn 32 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình bị chuyển sang ứng dụng mua sắm trực tuyến của người khác. Số điện thoại của đối tượng lừa đảo ngay sau đó cũng không thể liên lạc được.
Chị Phạm Thị Nga cho biết, gia đình chị rất nghèo và con gái đang bị bệnh liệt tiểu cầu, đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện Đăk Hà đã kêu gọi, ủng hộ trực tiếp vào số tài khoản cá nhân của chị hơn 32 triệu đồng. Gia đình dự kiến ngày 10/4 sẽ đưa con gái đi bệnh viên Trung ương Huế để điều trị, nhưng đến tối 9/4 thì xảy ra vụ việc.
Sau vụ việc, Ủy ban nhân dân xã Hà Mòn đã đến động viên gia đình chị Phạm Thị Nga và chỉ đạo lực lượng Công an xã thu thập thông tin, chứng cứ và hướng dẫn chị Nga làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự - Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Đăk Hà đang hoàn thiện hồ sơ, mở rộng điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị Phạm Thị Nga.
Theo thông tin từ Công an huyện Đăk Hà, thời gian qua, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội diễn biến khá phức tạp. Hầu hết các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận người dân, nhất là người dân tộc thiểu số để tìm cách liên lạc, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua tài khoản ngân hàng.
Với nhiều thủ đoạn khác nhau như giả danh cán bộ các cơ quan hành chính nhà nước; cán bộ, chiến sĩ Công an đang trực tiếp thụ lý, điều tra các vụ án; giả danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát các cấp… để lừa đảo, yêu cầu người bị hại chuyển tiền; chiếm dụng tài khoản Zalo, Facebook để nhắn tin mượn tiền của người thân hoặc lợi dụng một số người dân có hoàn cảnh khó khăn đột xuất để dụ dỗ sử dụng các ứng dụng cho vay trên mạng xã hội, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân để trục lợi bất chính.
Khoa Chương