Ngày 29/10, tại thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh tổ chức Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên.
Chương trình nhằm giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh về những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Quang Hà cho biết, thổ cẩm Tây Nguyên rất quen thuộc với cuộc sống thường ngày của người dân tộc Gia Rai, Bahnar, Xê Đăng…, được thể hiện bằng chiều sâu bản sắc văn hóa. Với những đôi bàn tay khéo léo, cùng với óc sáng tạo phong phú, tích lũy và trao truyền qua nhiều đời, cộng đồng các dân tộc đã khắc họa nên những họa tiết, hoa văn thổ cẩm vô cùng phong phú; mang nét mộc mạc, đơn sơ, gần gũi mà hòa quyện sự tinh xảo, tài hoa và nghệ thuật.
“Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập áo dài trên nền vải thổ cẩm của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và 10 nhà thiết kế nổi tiếng trong nước hội tụ tại Khu du lịch sinh thái Thác Pa Sỹ hùng vĩ. Thông qua chương trình, huyện Kon Plông mong muốn sẽ góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung; góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát triển giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Đặng Quang Hà cho biết thêm.
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên đã thu hút hàng trăm lượt du khách đến xem, với sự tham gia trình diễn của 80% diễn viên là học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum. Qua đó, khẳng định tay nghề của người đồng bào dân tộc thiểu số trong việc may mặc truyền thống; góp phần lan tỏa nét đẹp từ thổ cẩm đến người dân tại tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, những chiếc áo dài trên nền vải thổ cẩm là sản phẩm vải độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, Bahnar, Xê Đăng... Với mỗi cộng đồng dân tộc, các họa tiết thổ cẩm sẽ khác nhau, cách phối màu cũng khác nhau.
Đặc trưng vải thổ cẩm sẽ có những họa tiết như chim, ba ba, cồng chiêng, ngà voi với sự pha trộn màu sắc đa dạng. Với người Tây Nguyên, vải thổ cẩm nền đen đại diện cho đất đai; gam màu đỏ thể hiện sự đam mê và tình yêu, gam màu vàng tượng trưng cho ánh sáng, con người và thiên nhiên.
Khoa Chương