Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 85 đập, hồ chứa do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai và Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Bla quản lý, vận hành. Trước mùa mưa bão 2024, ngành chức năng tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các đập, hồ chứa trên địa bàn.
Cụ thể, trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị quản lý, sử dụng các công trình hồ chứa, đập thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình và tình hình tích nước. Trong số 85 công trình hồ chứa, có 32 công trình hồ chứa mới được xây dựng hoặc đã được sửa chữa, nâng cấp nên không tiến hành kiểm tra.
Đối với 53 công trình còn lại, lực lượng chức năng xác định, 36 công trình có kết quả đánh giá an toàn - mức A; 14 công trình có kết quả đánh giá cơ bản an toàn - mức B; 3 công trình đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao - mức C (là: hồ chứa Đội 6, Đội 4 thuộc huyện Sa Thầy và hồ chứa Kon Chênh thuộc huyện Kon Plông).
Đối với các công trình thủy lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 504 đập và 7 trạm bơm. Qua đó, lực lượng chức năng xác định có 22 đập bị hư hỏng, xuống cấp, cần sớm sửa chữa, khắc phục.
Ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã có phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2024. Sở yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác công trình tiến hành bố trí lực lượng đảm bảo về năng lực chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành; tổ chức bảo dưỡng máy móc, thiết bị và vận hành thử thiết bị; khơi thông bùn, cát trước cống lấy nước, tràn xả lũ và phát quang toàn bộ mái đập, tràn xả lũ thông thoáng để kiểm tra trong mùa mưa lũ.
Trong thời gian xảy ra mưa lũ, các đơn vị tổ chức vận hành công trình đập, hồ chứa nước theo Quy trình vận hành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình, kịp thời phát hiện hư hỏng có khả năng gây mất an toàn cho công trình, tổng hợp báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về tình hình thiệt hại các công trình thủy lợi để phối hợp xử lý. Đặc biệt khi có mưa lũ, các đơn vị tổ chức phân công trực 24/24 giờ tại trụ sở Trạm quản lý thủy nông huyện, thành phố và các công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, đặc biệt theo dõi mực nước các hồ chứa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum nhận định, hiện nay, khó khăn, vướng mắc của tỉnh là nguồn kinh phí từ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi không đủ để thực hiện bảo trì, sửa chữa, nâng cấp công trình. Trong khi đó, một số hạng mục công trình thủy lợi cũ bị hư hỏng xuống cấp như: khu vực lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng, tràn xả lũ tạm bằng đất, đập tạm… không có đường quản lý vận hành và ứng cứu khi sự cố xảy ra có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ. Ngoài ra, nhiều công trình chưa được cấp đất, giao đất nên tình trạng người dân lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình diễn ra phức tạp, nhiều trường hợp đã được địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất khó khăn trong việc xử lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị, Trung ương xem xét có chính sách hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp. Qua đó, đảm bảo an toàn cho các công trình; nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; xây dựng, bổ sung các tuyến đường quản lý, vận hành đối với các công trình chưa có đường quản lý để đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa, lũ và thuận lợi cho công tác vận hành, khai thác.
Dư Toán