Đối thoại chính sách về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN |
* Xin Thứ trưởng cho biết về những kết quả trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Campuchia thời gian qua? - Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Campuchia; trong đó, hợp tác về kinh tế, thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt được những thành tựu hết sức ý nghĩa. Theo đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia (đứng thứ ba). Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia đạt bình quân 9,8%. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 23,8%; trong đó, xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD tăng 35%, nhập khẩu đạt 963 triệu USD, giảm 6,5% so với năm 2017. Campuchia cũng là thị trường mà Việt Nam xuất siêu rất lớn với 2,8 tỷ USD trong năm 2018. Campuchia là những thị trường tiêu thụ rất tốt nhiều sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như: sắt thép, dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm nhựa, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại… Đây cũng là những thị trường cung cấp các sản phẩm nguyên liệu thô, là đầu vào phục vụ tiêu dùng, sản xuất trong nước và xuất khẩu của Việt Nam như hàng nông, lâm, thủy sản thô, khoáng sản. Trong những năm qua, Việt Nam đã hợp tác hết sức tích cực và có hiệu quả đối với phía Campuchia trong các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại song phương và phối hợp trong các cơ chế đa phương; xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý quan trọng trong phát triển thương mại như thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia... Ngoài ra, hai nước còn tham gia các hiệp định, thỏa thuận hợp tác khu vực, trong ASEAN như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đồng thời, cơ sở hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam với Campuchia đã đã được cải thiện đáng kể, góp phần vào việc tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, cư dân biên giới trao đổi thương mại, thu hút đầu tư. Campuchia cũng là những nước mà chúng ta triển khai rất mạnh mẽ các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối giao thương…Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sự hiện diện đông đảo, có đóng góp tích cho phát triển kinh tế của Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương của Việt Nam và Campuchia cũng thường xuyên tổ chức, tham dự các hội nghị, trao đổi đoàn nhằm tăng cường sự hiểu biết, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác, giải quyết vướng mắc của nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại như các hội nghị thương mại biên giới, xúc tiến đầu tư thương mại…*Vậy, những thuận lợi và khó khăn của hai nước trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại là gì, thưa Thứ trưởng? - Việt Nam có chung đường biên giới hữu nghị, hòa bình với Campuchia nên rất thuận lợi cho trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp và cư dân biên giới. Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm rất lớn đến vậy xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở biên giới cũng như thương mại biên giới với Campuchia. Các cửa khẩu, đường xá, chợ biên giới đã được nâng cấp đảm bảo cho vận chuyển hàng và người qua biên giới ngày càng gia tăng. Bên cạnh hạ tầng cứng, chúng ta cũng đã dần hoàn thiện các khung pháp lý trong nước và hiệp định, thỏa thuận về thương mại biên giới (hạ tầng mềm). Xuất phát từ những đặc điểm mang tính cơ cấu của nền kinh tế, Campuchia có nhu cầu rất lớn đối với nhiều sản phẩm hàng hóa mà Việt Nam có thể thế mạnh như: hàng hóa tiêu dùng, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng… Đồng thời, Campuchia cũng là thị trường cung cấp rất tốt các sản phẩm đầu vào sản xuất cho Việt Nam phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, chế biến hàng xuất khẩu như: hàng nông - lâm sản thô (sắn, điều, ngô…), nhiên liệu khoáng, quặng.... Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam sang Campuchia khá lớn, góp phần làm tăng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng vật liệu xây dựng, máy móc…từ Việt Nam. Cả hai nước đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0-5%. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ Trung Quốc và Thái Lan. Hơn nữa, về cơ sở hạ tầng thương mại ở cửa khẩu biên giới, hệ thống giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, dịch vụ thanh toán giao nhận, vận chuyển... giữa Việt Nam - Campuchia còn hạn chế, cần phải cải thiện hơn nữa.* Vậy những tiềm năng nào mà hai nước Việt Nam và Campuchia vẫn có thể được khai thác trong thời gian tới ? * Mặc dù quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Campuchia đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua nhưng theo tôi, tiềm năng phát triển còn rất lớn, không chỉ cần những nỗ lực của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương mà còn sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia. Việt Nam và Campuchia đều là những nước phát triển năng động trong khu vực, tiềm lực phát triển kinh tế của mỗi nước còn rất lớn, đặt ra nhiều cơ hội cho việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại các thị trường này. Cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia. Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, hiệp định nêu trên sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của ba nước và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới có FTA. Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để ta có thể tranh thủ gắn bó, hợp tác để đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường Campuchia. Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như: sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy, sản… Để phát huy những tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại trong hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia tôi cho rằng chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp như: tiếp tục duy trì và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nữa thông qua việc tiếp tục phát triển. Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước, tăng cường triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế quan … Hai nước cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác song phương thông qua Ủy ban liên Chính phủ, các nhóm công tác, làm việc giữa các cơ quan Chính phủ để rà soát, đánh giá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam - Campuchia thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối giao thương và các đoàn doanh nghiệp sang đây. Đồng thời, doanh nghiệp thời gian tới, cần hết sức lưu tâm đến việc xây dựng hệ thống phân phối tại Campuchia để ngoài mở rộng thị trường còn ứng phó với những biến động tại thị trường được kịp thời. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cộng đồng Việt kiều, doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, coi đây là những kênh quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với Campuchia.Xin chân thành cảm ơn ông!
Hằng Trần