Kiều bào với Trường Sa: Bài 4 - Kết nối tri thức kiều bào vì chủ quyền biển đảo

Kiều bào với Trường Sa: Bài 4 - Kết nối tri thức kiều bào vì chủ quyền biển đảo

* Ủng hộ bằng cả trái tim

Từ trước tới giờ chỉ biết đến Trường Sa là một vệt chấm nhỏ trên bản đồ thế giới nên khi được đặt chân lên các điểm đảo, vợ chồng ông Lê Văn Minh và bà Lê Ánh Tuyết, Việt kiều Mỹ cảm thấy rất may mắn xen lẫn và tự hào. Nhìn thấy cuộc sống của các chiến sĩ nơi đảo xa, bà Tuyết từ nay cho đến khi bản thân không thể làm gì được nữa sẽ cố gắng hết sức mình để ủng hộ và kề vai sát cánh với những chiến sĩ trên đảo. “Chúng tôi sẽ liên hệ với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để biết người dân và chiến sĩ ở Trường Sa cần gì nhất để kêu gọi kiều bào tại Mỹ ủng hộ thêm”, bà Tuyết chia sẻ.

Đoàn Kiều bào tặng quà quân và dân trên đảo Trường Sa. Ảnh: Hứa Chung- TTXVN
Đoàn Kiều bào tặng quà quân và dân trên đảo Trường Sa. Ảnh: Hứa Chung- TTXVN

Còn theo ông Minh, cộng đồng người Việt tại Mỹ khá phức tạp nên ông bà chọn cách vun đắp cho thế hệ trẻ sau này, dạy cho con cháu biết về lịch sử của Việt Nam… “Chúng tôi hy vọng thế hệ con cháu mình có thể thay chúng tôi bàn luận vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa với những người bạn Mỹ, những người bạn ngoại quốc bằng tiếng của họ”, ông Minh nói.

Không chỉ vợ chồng ông Minh, bà Tuyết, khi thấy cuộc sống khắc nghiệt của những người lính nơi đảo xa, nhiều kiều bào đã ấp ủ những dự định ủng hộ tinh thần, vật chất cho các điểm đảo bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với tính chất công việc của mình. Anh Phạm Trung Kiên - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân ở Singapore cho biết, sẽ hỗ trợ việc làm cho các chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa. 

Chia sẻ về dự định sau chuyến đi này, đại diện Hội người Việt ở Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện dự án cải thiện đời sống cho các chiến sĩ ở Trường Sa, dự án này đã được nhiều kiều bào trong chuyến đi lên tiếng ủng hộ. Cùng với đó, sẽ phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp các suất học bổng toàn phần hoặc bán phần cho con em cán bộ, chiến sĩ công tác ở Trường Sa có thành tích học tập tốt và có mong muốn sang du học ở Hàn Quốc.

* Kết nối tri thức kiều bào 

Sau những ngày dài đi thăm các điểm đảo, vào mỗi buổi tối, từng nhóm kiều bào các nước lại ngồi bàn luận với nhau phải làm gì để đưa những thông tin đã biết đến với nhiều người hơn. Tâm điểm của những trăn trở đó là về vấn đề kết nối tri thức của các kiều bào hướng về biển đảo Việt Nam. 

Chị Nguyễn Thu Thảo, kiều bào Australia, Trưởng Đại diện của Tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam chia sẻ: Đối với tôi, điều mong mỏi nhất khi các con chúng tôi lớn lên là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia sẽ không cần dùng tới súng đạn nữa mà thay vào đó là “tri thức” của chính thế hệ người Việt trẻ. Họ có thể chủ động bắt tay với những quốc gia lân cận và làm thay đổi thế cờ trong khu vực, thay vì là vùng nóng gây tranh cãi sẽ trở thành diễn đàn hiệu quả nhất để các bên cùng hợp tác với nhau không chỉ an ninh biển, giao thông hàng hải, môi trường… Việt Nam có vị trí vô cùng chiến lược để trở thành người đi đầu tiên phong cổ vũ cho việc hợp tác hơn nữa; trong đó, vai trò của những thế hệ người Việt trẻ và người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào công việc này.

Hoa bàng vuông nở trên đảo Trường Sa. Ảnh: - TTXVN
Hoa bàng vuông nở trên đảo Trường Sa. Ảnh: - TTXVN

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Quyền Vụ trưởng, Vụ Thông tin và Văn hóa - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước luôn coi 4,5 triệu kiều bào sống xa Tổ quốc là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, không chỉ về kinh tế, tri thức chất xám, mà còn trong bảo vệ Tổ quốc. 

Trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước, kiều bào càng có vai trò quan trọng. Mỗi một kiều bào ở nước ngoài là một đại sứ, tuyên truyền viên quan trọng, là con dân Việt Nam và công dân nước sở tại, có tiếng nói quan trọng, khi tạo được sự tin cậy và thông hiểu của bạn bè quốc tế. Trong đó nhiều kiều bào giữ vị trí quan trọng ở nước sở tại sẽ tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp trên toàn thế giới ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của quân và dân ở trong nước. 

“Nhiều người sinh ra ở nước ngoài khi tiếng Việt còn chưa thạo nhưng cái làm nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc cũng như con tàu này là tình cảm hết sức đặc biệt với Trường Sa, là tình yêu với đất nước. Chúng tôi tìm được tiếng nói chung khi tổ chức các hoạt động và ủng hộ các điểm đảo trong kiều bào”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Kết thúc chuyến hải trình đặc biệt 11 ngày, đêm, đi qua 14 điểm đảo và nhà giàn DK1, mỗi người sẽ trở về nước, tất bật với công việc hàng ngày, với những dự định khác nhau, nhưng hơn hết cả, sau chuyến đi là tình yêu quê hương đất nước đã được hun đúc thêm trong mỗi kiều bào, trở thành những "đại sứ" về biển đảo Việt Nam./.

Có thể bạn quan tâm