Kiên Giang tạo không gian để đờn ca tài tử vang xa

Kiên Giang tạo không gian để đờn ca tài tử vang xa

Kiên Giang hiện có hơn 150 câu lạc bộ và nhóm Đờn ca tài tử với trên 1.800 người tham gia sinh hoạt tại 15 huyện, thành phố trong tỉnh. Dù gặp không ít khó khăn, song với đam mê ca hát, phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Kiên Giang tạo không gian để đờn ca tài tử vang xa ảnh 1Trong các buổi tối từ ngày 25 đến ngày 28/10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang diễn ra Hội thi đờn ca tài tử với chủ đề “Tuần lễ hoạt động văn hóa - Xây dựng nông thôn mới năm 2023”. Hội thi quy tụ hơn 200 tài tử đờn, tài tử ca đến từ 14 huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi đơn vị tham gia một chương trình xoay quanh nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, con người trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Tiết mục dự thi của Đội Đờn ca tài tử huyện Hòn Đất. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Lan tỏa đam mê

Là một trong những câu lạc bộ Đờn ca tài tử có tiếng ở thành phố Rạch Giá, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Công viên văn hóa An Hòa được thành lập từ năm 2014, có gần 30 thành viên. Theo ông Trần Minh Trí, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, gần chục năm nay, các thành viên duy trì sinh hoạt thường xuyên. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để Câu lạc bộ có địa điểm sinh hoạt ngay trong Công viên An Hòa.

“Các thành viên trong Câu lạc bộ đóng góp tiền để mua sắm, hoặc sửa chữa các thiết bị, trang trí sân khấu, trang phục…để cùng hoạt động. Tuy có lúc khó khăn về kinh phí, nhưng câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động thường xuyên nhờ tình yêu, niềm đam mê đờn ca tài tử của các thành viên. Từ năm 2014 đến nay, Câu lạc bộ đã chỉ dạy, hướng dẫn hơn 100 người biết đờn ca tài tử. Chúng tôi rất phấn khởi vì góp phần phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông Trần Minh Trí chia sẻ.

Em Lê Phương Nguyên, 12 tuổi, một tài tử ca nhỏ tuổi có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Công viên văn hóa An Hòa chia sẻ, khoảng năm 6 tuổi, em thường được nghe các chú, bác trong gia đình hát, em tập hát theo và thích ca tài tử từ đó.

“Ngoài thời gian học, con chép lời các bài vọng cổ để nhớ lời khi hát. Trong khi sinh hoạt, con được các cô chú trong Câu lạc bộ chỉ dẫn, uốn nắn để hát đúng nhịp và luyến lái, nhấn nhá cho hay và qua đó gửi gắm tình cảm vào câu ca tiếng hát của mình”, Lê Phương Nguyên chia sẻ.

Ông Lê Quang Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Quang Trung ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất cho hay, trước khi thành lập Câu lạc bộ, ông tham gia sinh hoạt tại một số câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử trong và ngoài huyện. Đến khoảng năm 2020, khi có hơn 20 tài tử ca, tài tử đờn tham gia sinh hoạt thường xuyên, ông thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Quang Trung và hoạt động đến nay.

Theo ông Trung, Câu lạc bộ Quang Trung hiện có gần 30 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên vào tối thứ 7. Bên cạnh những người trung niên, người trên 50 đến 60 tuổi đến tham gia ca hát, câu lạc bộ còn thu hút hàng chục bạn trẻ là những thanh niên, học sinh có niềm đam mê Đờn ca tài tử tham gia.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Quang Trung cho biết, vì đam mê, ông dành một không gian trước nhà làm sân khấu để mình và các thành viên thỏa sức đờn ca. Sau một thời gian, ngày càng có nhiều người đam mê đến đờn ca cùng Câu lạc bộ, ông mở quán cà phê nhỏ để mọi người có không gian đờn ca và thưởng thức, đồng thời có thêm nguồn thu để mua sắm thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu… để mọi người khỏi phải đóng góp vào câu lạc bộ.

“Nhiều anh chị, cô, chú, hoặc một số bạn trẻ hát hay và chắc nhịp. Tuy nhiên, một số người có giọng hát hay, nhưng do chưa được học nên hát thường sai nhịp. Ở đây, các thành viên nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ về nhịp ca, cách ca, luyến láy, nhả chữ… để mọi người hát chuẩn hơn, hay hơn”, ông Lê Quang Trung chia sẻ.

“Sau những ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng, được thả hồn mình vào những lời ca, điệu hát, tiếng đờn, chúng tôi thấy được thư giãn và cuộc sống vui vẻ, lạc quan hơn. Chúng tôi thường hát những bài ca về Đảng, Bác Hồ, phong trào xây dựng nông thôn mới… Đờn ca tài tử góp phần thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước, phong trào cách mạng của địa phương”, Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Minh Điển, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành nhấn mạnh.

Theo ông Lê Công Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, Đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân Nam Bộ, trong đó có Kiên Giang. Đầu thế kỷ 20, tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay) hình thành nhiều gia đình và những nhóm Đờn ca tài tử trong cộng đồng.

15/15 huyện, thành phố trong tỉnh đều có các câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử với khoảng 1.800 người tham gia sinh hoạt. Phong trào Đờn ca tài tử hoạt động khá sôi nổi và nhiều câu lạc bộ đạt được giải thưởng trong các kỳ liên hoan. Kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ chủ yếu là thành viên đóng góp, còn lại là vận động xã hội hóa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang cho hay, đến nay,11 cá nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 9 cá nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Đờn ca tài tử và hai cá nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Khmer được nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”. Đây là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Kiên Giang tạo không gian để đờn ca tài tử vang xa ảnh 2Trong các tối từ 25 - 28/10/2023, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang diễn ra Hội thi đờn ca tài tử với chủ đề “Tuần lễ hoạt động văn hóa - Xây dựng nông thôn mới năm 2023”, quy tụ hơn 200 tài tử đờn, tài tử ca đến từ 14 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong ảnh: Tiết mục dự thi của Đội Đờn ca tài tử huyện Kiên Hải. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Giải pháp bảo tồn

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, phong trào đờn ca tài tử tỉnh những năm qua có sự phát triển, nhưng còn hạn chế, như: phong trào còn mang tính tự phát. Số lượng câu lạc bộ, nghệ nhân và cơ sở truyền dạy đờn ca tài tử trong cộng đồng có xu hướng giảm; còn thiếu tác phẩm mới. Ngân sách nhà nước đầu tư cho đờn ca tài tử còn ít so nhu cầu. Các lớp tập huấn, truyền dạy đờn ca tài tử ít…

Để khắc phục hạn chế trên, năm 2021, Ủy ban nhân dân Kiên Giang ban hành Quyết định 1200/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025 với 7 nội dung và 9 giải pháp.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành, các cấp, địa phương tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đờn ca tài tử; chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng các Câu lạc bộ, nghệ nhân Đờn ca tài tử. Huy động các nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng phong trào nhằm quảng bá Đờn ca tài tử. Các ngành, địa phương tổ chức định kỳ các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu, quảng bá Đờn ca tài tử để tạo không gian và môi trường thuận lợi cho việc thực hành Đờn ca tài tử, có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân và Câu lạc bộ Đờn ca tài tử.

Cùng với đó, các hoạt động Đờn ca tài tử được lồng ghép trong sinh hoạt của cộng đồng khu dân cư, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bộ máy tổ chức các Câu lạc bộ được kiện toàn từ tỉnh xuống cơ sở, quy tụ những nghệ nhân có tâm huyết, có kiến thức về âm nhạc tài tử. Tỉnh khuyến khích phát triển các Câu lạc bộ, đội, nhóm, gia đình tài tử ở các địa phương....

"Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang phối hợp với một số ngành, đơn vị, địa phương duy trì tổ chức từ hai Hội thi Đờn ca tài tử cấp tỉnh, từ 6 đến 10 Cuộc thi Đờn ca tài tử cấp huyện trở lên. Tất cả các hội thi đều có có sự đầu tư về hình thức, nội dung; chủ đề phù hợp, để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật Đờn ca tài tử, vừa góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực tạo sân chơi, không gian để các câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử, các tài tử được giao lưu, trao học hỏi, nâng cao chất lượng hoạt động và tài năng đờn ca. Vì vậy, thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô các hội thi này", ông Lê Công Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang nhấn mạnh.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm