Theo Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, vùng trọng điểm ở các lâm phần trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm 2023 khoảng 41.258 ha; trong đó, thành phố Phú Quốc 16.000 ha, các huyện U Minh Thượng 9.100 ha rừng tràm, An Minh hơn 2.780 ha rừng tràm, Hòn Đất 7.475 ha rừng tràm, Kiên Lương 2.250 ha rừng, Giang Thành 1.626 ha rừng tràm, Kiên Hải 1.280 ha rừng, thành phố Hà Tiên 745 ha rừng.
Tỉnh Kiên Giang phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng mùa khô năm 2023 và kinh phí thực hiện hơn 12 tỷ đồng cho Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng, 2 Ban quản lý rừng và Chi cục Kiểm lâm.
Triển khai thực hiện phòng cháy và chữa cháy rừng, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với địa phương và đơn vị chủ rừng tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng đến hộ dân như thường xuyên phát loa tuyên truyền lưu động, hướng dẫn 980 hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng… Kiện toàn 171 tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng cơ sở với 1.448 thành viên; xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng của các chủ rừng 818 người.
Ngoài ra, các Hạt Kiểm lâm thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng với các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, qua đó, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng tại các địa phương.
Đối với, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy rừng, đơn vị chủ rừng trên các lâm phần đã cày, ủi đường băng cản lửa rộng từ 15 - 20 m với tổng diện tích hơn 622 ha; đắp, gia cố 25 đập giữ nước, 6 cống điều tiết nước, duy tu 47 bồn đặt trong rừng trữ nước dung tích 2 m³/bồn ở khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy cao; phát dọn thực bì trên các tuyến kênh và đê bao tổng chiều dài hơn 120 km; nạo vét hố chứa nước trong rừng; sửa chữa, bảo trì 4 trạm bơm nước bằng điện, bơm bổ sung hơn 40.000 m³ nước vào rừng…
Mặt khác, các đơn vị chủ rừng xây dựng lán trại, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các trạm, chốt trực chiến 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhất là tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao.
Tại thành phố Phú Quốc, địa phương có diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao khá lớn, tập trung ở Vườn quốc gia Phú Quốc đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng cháy và chữa cháy rừng một cách chặt chẽ, chủ động.
Đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, thực hiện phòng cháy và chữa cháy rừng, Vườn đã trang bị 3 xe tải loại nhỏ vận chuyển thiết bị, máy móc; xe bồn chữa cháy; máy cày; hàng trăm máy bơm phao các loại, máy bơm honda, máy bơm chìm chữa cháy, máy đeo vai, máy thổi gió; hàng trăm ống dây chữa cháy; máy định vị GPS; hàng trăm bình xịt inox, can nhựa, leng, xẻng, cuốc, rựa, thùng tưới nước, bàn dập lửa…
Cùng với đó, Vườn xây dựng 8 tháp quan sát lửa rừng, 78 giếng khơi và giếng khoan công nghiệp, bể chứa nước, đặt gần 50 bồn nhựa chứa nước dung tích 2.000 lít cố định trong rừng, đặt bồn chứa nước và téc nước trên xe cơ động đến các địa điểm xung yếu để cấp nước, lắp đặt 117 bảng nội quy, bảng hướng dẫn vào giếng khơi, bồn chứa nước, biển cấm, biển báo…
Tiếp đến, Vườn quốc gia Phú Quốc thành lập 14 Đội quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, với đầy đủ phương tiện, thiết bị và lực lượng trực chiến 24/24 giờ tại 14 điểm trọng yếu trên lâm phần như: Rạch Cá, Cây Sao, Đá Chồng, Bãi Thơm, Rạch Tràm, Xóm Mới, Gành Dầu, Bãi Dài,Cửa Cạn, Bến Tràm, Rạch Vẹm, Hàm Ninh - Dương Tơ, Suối Lớn, An Thới.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng ở địa bàn thành phố Phú Quốc, tổng diện tích cháy hơn 2.148 m² với hiện trạng là dây leo, cây bụi, cây rừng bị chặt phá thời gian trước và đã được lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, dập tắt nhanh, gây thiệt hại không đáng kể.
Cụ thể, ngày 31/01/2023 cháy hơn 660 m², tiểu khu 60, phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu; ngày 04/02/2023 cháy hơn 628 m², tiểu khu 64 rừng đặc dụng, ấp 4 xã Cửa Cạn; ngày 10/02/2023 cháy 860 m², tiểu khu 59, phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng, ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Trương Thanh Hào cho hay, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trên toàn địa bàn, nhất là tập trung quyết liệt trong giai đoạn cao điểm của mùa khô, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra.
Chẳng hạn như hướng dẫn hộ nhận khoán, hộ dân sống ven rừng ký cam kết thực hiện phòng cháy và chữa cháy rừng gắn với thông tin lưu động vấn đề này quanh các khu rừng. Các đơn vị chức năng và chủ rừng rà soát lại phương án phòng cháy và chữa cháy rừng để bổ sung, khắc phục những hạn chế, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng. Duy trì lán trại, lực lượng trực chiến 24/24 giờ đến khi kết thúc mùa khô, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.
Các Hạt Kiểm lâm tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng với các lực lượng công an, quân sự, thường xuyên trao đổi thông tin, diễn biến tình hình này ở địa phương. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ máy chữa cháy bố trí ở vùng trọng điểm, kịp thời huy động các lực lượng ứng cứu, khống chế, dập tắt các vụ cháy phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
Lê Huy Hải