Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc, hầu hết người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ, đồng bào ở các xóm, ấp, khu phố chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Người dân thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tình làng nghĩa xóm, phát triển kinh tế… góp phần bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, địa phương có 280 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Trưởng dòng họ, tộc trưởng, trưởng ấp, cán bộ nghỉ hưu, sư sãi, chức sắc tôn giáo, thầy cúng, thầy thuốc, người sản xuất kinh doanh giỏi…
Trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã tích cực vận động đồng bào thực hiện tốt 19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới; thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, tiếp sức người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đóng góp xây dựng cầu, đường tạo điều kiện đi lại thuận tiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ đó, đến nay, địa phương đã có 32/49 xã vùng dân tộc thiểu số đạt tiêu chí xã nông thôn mới.
Điển hình như Hòa thượng Trần Nhiếp, Trụ trì chùa Thanh Gia, xã Định Hòa (Gò Quao) được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích đóng góp vào công trình cầu, đường vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Danh Mạnh, dân tộc Khmer, phường Vĩnh Thông (thành phố Rạch Giá) vận động đồng bào tích cực trồng rau sạch ở vùng ven thành phố, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Ông Dư Văn Thái, dân tộc Hoa ở ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa (Châu Thành) gương mẫu, hướng dẫn đồng bào trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa nghèo trong xóm, ấp và xây dựng nông thôn mới. Thượng tọa Danh Nâng, dân tộc Khmer, Trụ trì chùa Thứ Năm, xã Nam Thái (An Biên) vận động đồng bào xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng nhiễm mặn đạt kết quả tốt…
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; tham gia tốt phong trào an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn vùng biên giới hòa bình, hữu nghị. Đồng thời, người có uy tín luôn tích cực hoạt động trong xóm, ấp để nắm bắt tình hình dư luận trong xã hội, kịp thời động viên, hỗ trợ người nghèo gặp khó khăn, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, không nghe theo các phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình, làm mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, người có uy tín tích còn thực hiện tốt việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lưu giữ nhạc cụ ngũ âm, nghệ thuật văn hóa dân tộc, thực hiện tốt lễ hội truyền thống của của đồng bào Khmer, đồng bào người Hoa; chú trọng vận động con em đồng bào học thêm tiếng dân tộc trong dịp hè và tham gia các phong trào văn hóa, thể thao truyền thống để giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn tôn giáo truyền thống, không theo tà đạo, đạo lạ hoạt động trái pháp luật trong xóm, ấp, khu phố.
Giai đoạn 2017-2021, tỉnh Kiên Giang đã biểu dương, tôn vinh, tặng Bằng khen 87 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, phát huy vai trò của người có uy tín, tạo động lực thi đua yêu nước, thúc đẩy phong trào thi đua trên các lĩnh vực ngành nghề, phát triển sản xuất kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương thực hiện hiệu quả việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc đồng bộ theo hướng “Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng điển hình”, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Lê Huy Hải