Thu hoạch lúa Hè Thu 2018 ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, trên từng vùng, tiểu vùng sản xuất, nông dân xuống giống đúng khung lịch thời vụ để phòng tránh khô hạn, xâm nhập mặn, né rầy và các loại dịch bệnh gây hại, với gieo sạ giống lúa chất lượng cao hơn 75% diện tích. Hiện, các trà lúa đang phát triển khá tốt, nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp đã xây dựng hơn 20 cánh đồng lớn theo hướng hợp tác, liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm và tiếp tục kết nối các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân với mức giá cao nhất. Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang cho biết, nhiều trà lúa Đông Xuân này đang bị nhiễm sâu bệnh với tổng diện tích hơn 14.000 ha, tập trung ở các huyện Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Giang Thành, Hòn Đất,… Các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: đạo ôn lá, sâu cuốn lá, lem lép hạt, bù lạch, cháy bìa lá. Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp diệt trừ sâu bệnh gây hại lúa, dập tắt dịch bệnh, không để bùng phát lây lan trên diện rộng, nhất là đề phòng đối tượng rầy nâu, muỗi hành, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang dự báo tình hình dịch hại có khả năng tiếp tục gây hại lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể là bệnh đạo ôn lá, cổ bông sẽ gia tăng diện tích nhiễm trên những ruộng lúa trồng giống nhiễm, sạ dày, bón dư phân đạm. Thời tiết nắng mưa xen kẽ sẽ tạo điều kiện cho bệnh do vi khuẩn phát triển gây hại. Rầy nâu có khả năng di trú từ các trà lúa Đông Xuân sớm, lúa Mùa đang thu hoạch sang những ruộng lúa Đông Xuân chính vụ; những cơn mưa cuối mùa tạo điều kiện cho muỗi hành phát triển gây hại lúa,… Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo nông dân tăng cường thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện dịch hại và phòng trị kịp thời, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng, xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng và truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Lê Huy Hải