Nông dân xã Vĩnh Phú (huyện Giồng Riềng) thu hoạch lúa Hè Thu 2018. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, vùng sản xuất U Minh Thượng và ven sông Cái Lớn, Cái Bé tập trung xuống giống sớm nhằm tránh thiếu nước vào cuối vụ, gieo sạ vào 2 đợt.
Đợt 1 từ 5 - 15/10 gieo sạ vùng thu hoạch lúa Hè Thu sớm và không chủ đồng nguồn nước tưới cuối vụ; đợt 2 từ 26/10 - 4/11 gieo sạ vùng thu hoạch lúa Hè Thu trễ và không chủ động nguồn nước tưới cuối vụ.
Vùng Đông Xuân chính vụ chia làm 3 đợt gieo sạ là 26/10 - 4/11, 24/11 - 2/12 và 23/12/2018 - 2/1/2019 và quản lý, thực hiện đúng lịch gieo sạ để phòng tránh các loại dịch bệnh, rầy nâu gây hại và chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.
Nông dân xã Mỹ Thái (Hòn Đất, Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu 2018. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
Cùng với đó, hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, nhất là lúa giống và biện pháp rửa mặn triệt để, cải tạo đất sau khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm - lúa và nước lũ rút. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, Thu Đông vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lúa Đông Xuân cách thời điểm thu hoạch vụ trước đó ít nhất 2 tuần để hạn chế lúa bị ngộ độc hữu cơ và dịch hại lan truyền sang.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường quản lý giống lúa, tăng diện tích sản xuất giống chất lượng cao đạt từ 80% trở lên so với diện tích gieo sạ; sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn theo hướng hợp tác, liên doanh liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm.
Nông dân xã Mỹ Thái (huyện Hòn Đất) thu hoạch lúa Hè Thu 2018. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
Hơn nữa, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao và khuyến cáo sạ thưa; áp dụng các kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” để tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh gây hại lúa. Dự báo tình hình dịch hại và xây dựng phương án, giải pháp phòng trừ, đặc biệt chú trọng bệnh đạo ôn, muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại lúa, Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt cho hay.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi cập nhập thông tin về giá lúa, thị trường, giúp nông dân tiêu thụ lúa hàng hóa với mức cao nhất. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cuối vụ để có các giải pháp ứng phó kịp thời, hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo cho nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả.
Nông dân xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) thu hoạch lúa Hè Thu 2018. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Mùa mưa năm nay kết thúc sớm, dự báo vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh gồm các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương. Tỉnh tập trung nạo vét những kênh trục chính trữ nước ngọt, củng cố bờ bao, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt và quản lý vận hành hệ thống cống thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.
Lê Huy Hải