Ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết, nông dân chiếm gần 49% lực lượng lao động trong toàn tỉnh.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi như: Tổ chức diễn đàn khuyến khích nông dân đổi mới, sáng tạo; biểu dương, tôn vinh gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mô hình tiêu biểu; đẩy mạnh hoạt động tư vấn cho nông dân về kiến thức kinh doanh, khoa học kỹ thuật; quan tâm hình thức hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, giới thiệu quảng bá nông sản; thành lập Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi...
Thông qua nhiều giải pháp, bình quân mỗi năm, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh hỗ trợ xây dựng được 380 mô hình nông dân làm kinh tế. Đến nay, hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả và có tính lan tỏa. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò 3B ở hai xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn) và Tân Sơn (huyện Quỳnh Lưu), mô hình nuôi gà đen ở xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), mô hình trồng cam hữu cơ ở xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương), mô hình nuôi ốc bươu đen ở xã Đức Thành (huyện Yên Thành)...
Tại các địa phương trong tỉnh xuất hiện điển hình nông dân làm kinh tế. Anh Lê Hội Hưng, thị xã Hoàng Mai kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hải sản, doanh thu đạt từ 20 - 25 tỷ đồng/năm; anh Phan Đình Đường, huyện Thanh Chương sản xuất, chế biến chè, doanh thu hằng năm trên 20 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Huyền, thị xã Cửa Lò sản xuất, kinh doanh, chế biến hải sản, doanh thu bình quân hàng năm từ 90 - 100 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khẳng định, thông qua triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo thêm động lực, khích lệ hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, liên kết, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Các hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh hỗ trợ trên 150.000 lao động có thêm việc làm; giúp đỡ hiệu quả hơn 88.000 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội Nông dân tỉnh đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ mới 2023-2028, mỗi năm có ít nhất 60% hộ hội viên đăng ký phấn đấu và ít nhất 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi; hỗ trợ thành lập ít nhất 20 hợp tác xã và 100 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Hằng năm có ít nhất 70% tổ chức cơ sở Hội tổ chức được hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản...
Giải pháp Hội Nông dân tỉnh đề ra đó là hướng trọng tâm công tác tuyên truyền, vận động vào việc làm chuyển biến tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; sản xuất gắn với thị trường, ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết, hợp tác.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương thực hiện giải pháp để tạo chuyển biến trong nhận thức của nông dân từ sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sang ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Đặc biệt, khuyến khích, vận động bà con sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc tham gia hướng dẫn, hỗ trợ hộ khác phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội phấn đấu đơn vị cấp huyện, mỗi năm, hỗ trợ xây dựng ít nhất 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Nguyễn Văn Nhật