Nghệ An có lợi thế về sản xuất các loại nông sản đặc trưng để chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực chế biến này chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Do đó nhiều mặt hàng nông sản không phát huy giá trị, thậm chí, không thể tiêu thụ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
Mới đây, gần 14 ha đu đủ của Hợp tác xã nông nghiệp xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đã vào vụ thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả không được thu mua theo hợp đồng cam kết, đã khiến người dân đứng ngồi không yên, nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc này, phản ánh của các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu cho biết là do Công ty Cổ phần Chanh leo Nafoods không thực hiện đúng hợp đồng cam kết trong việc bao tiêu sản phẩm.
Trước đó, hợp đồng ký kết ngày 21/11/2022 giữa Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và Hợp tác xã nông nghiệp xã Tây Hiếu nêu rõ việc công ty sẽ cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả đu đủ. Tháng 7/2023 khi toàn bộ diện tích đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu đã liên lạc rất nhiều lần với phía công ty để về thu mua nhưng phía công ty chần chừ, không có động thái thu mua.
Ngày 19/7, các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp xã Tây Hiếu bất ngờ nhận được thông báo từ phía công ty về việc chấm dứt hợp đồng bao tiêu sản phẩm đu đủ, với lý do thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột của Nga - Ukraine. Sự việc trên khiến hàng trăm tấn quả đang vào vụ thu hoạch đứng trước nguy cơ mất trắng, 16 xã viên cũng lao đao, thiệt hại nặng về kinh tế.
Sau nhiều lần phản ánh của người dân, mới đây, đại diện Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods đã có cuộc làm việc với Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu, các hộ xã viên, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Hai bên đi đến thống nhất phương án thanh lý hợp đồng, đền bù 225 triệu đồng/ha; chậm nhất đến ngày 21/8/2023 sẽ hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng và chuyển tiền cho bà con. Ngoài ra, 50% số tiền mua cây giống người dân còn nợ công ty thì công ty cũng đồng ý hỗ trợ bà con (cụ thể là 8 triệu đồng/ha).
Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods cũng cho biết, số cây, quả còn lại bà con tuỳ ý tiêu thụ, phía công ty sẽ cùng đồng hành tìm đầu ra giúp bà con. Hiện nay, nhiều tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố Vinh, một số siêu thị đã kết nối mong muốn thu mua.
Ở Nghệ An, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có lợi thế về sản xuất các loại nông sản. Tại huyện Kỳ Sơn, sản phẩm gừng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Năm 2015, diện tích quy hoạch gừng của huyện Kỳ Sơn là 450 ha, nhưng đến nay đã lên tới 850 ha. Cung vượt cầu cùng nhiều yếu tố khác đã dẫn tình trạng tiêu thụ gừng gặp khó khăn. Nếu như những năm trước, giá thu mua gừng cho bà con lên đến trên 20.000 đồng/kg, nhưng từ đầu năm nay giảm sâu xuống chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/kg, dù giá rất rẻ nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Không chỉ có gừng, tại các huyện miền núi Nghệ An còn có sản phẩm mận Tam Hoa, bí rẫy, khoai sọ, dưa chuột Mông, chè Tuyết shan, nghệ… Mỗi năm, sản lượng mận khoảng 100- 120 tấn, từ 1.300- 1.400 tấn khoai sọ, trên 5.000 tấn gừng, nghệ. Hầu hết, nông sản này có chất lượng, an toàn an toàn vệ sinh thực phẩm… thế nhưng vẫn nằm trong tình trạng tiêu thụ phập phù, giá cả có khi xuống rất thấp thậm chí ế thừa.
Sở dĩ để xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, giải cứu nông sản… là do người dân nhiều nơi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều nơi lại tự ý phát triển diện tích cây trồng không theo khuyến cáo, định hướng của ngành chức năng. Các sản phẩm nông nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà chưa chú trọng về chất lượng, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm…
Do đó, việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho logistics...) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa, tạo điều kiện để khu vực kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, nâng cao thu nhập của người dân.
Để phát triển hệ thống thương mại đồng bộ cho nông sản, Sở Công Thương xác định, trước hết cần tiếp tục phối hợp với các sở ngành liên quan và các địa phương triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch về phát triển hạ tầng thương mại; trong đó, chú trọng tới các hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, logistics. Đồng thời hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng một số loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản như các chợ đầu mối nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với giá hợp lý đảm bảo lợi ích cho các chủ thể tham gia giao dịch; các trung tâm logistics, nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản.
Song song đó, tỉnh Nghệ An cũng kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến xây dựng thương hiệu, nhãn mác và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Về chế biến nông sản, đến nay, Nghệ An đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, với sản phẩm khá đa dạng. Bên cạnh đó, địa phương đã có hàng trăm mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, gia công sản phẩm giữa các hợp tác xã, chủ trang trại với các doanh nghiệp. Thế nhưng, hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp.
Ngành vông thương, khoa học và công nghệ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông sản quảng bá, kết nối tiêu thụ hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm để từng bước đáp ứng yêu cầu của các hệ thống bán lẻ.
Để quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng rộng rãi tới người tiêu dùng, thời gian tới Nghệ An cũng tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp với các tập đoàn bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn trong nước để giới thiệu, quảng bá, kết nối đưa sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An lên kệ hàng; triển khai hỗ trợ kết nối giao thương, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tới các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh...
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An thông tin thêm, hiện nay trên địa bàn vẫn chưa có các tập đoàn lớn đầu tư vào chế xuất mà chỉ có các doanh nghiệp nhỏ lẻ của địa phương, kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đạt như kỳ vọng. Hiện nay cả tỉnh Nghệ An mới chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ chế biến sâu.
Vì vậy tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế gắn kết giữa các nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua việc xây dựng và triển khai thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp nhằm hình thành và phát triển theo hướng bền vững các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, vùng sản xuất hàng nông sản chất lượng cao, phát huy thế mạnh của các địa phương; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã với người sản xuất, lợi ích của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm được bảo đảm, giúp người nông dân mua vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản với giá ổn định.
Với các hợp tác xã cũng cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, sàn giao dịch điện tử, đưa sản phẩm đi tiêu thụ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bích Huệ