Kỷ niệm 28 năm trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2016), gần 400 cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại Trường Sa gặp mặt đầy cảm xúc tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN |
Đầu năm 1988, trước sức ép ngày càng gia tăng từ phía hải quân Trung Quốc, ngày 4/3/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đây là nhiệm vụ nặng nề, phải triển khai hết sức khẩn trương, trong điều kiện lực lượng mỏng, phương tiện tàu thuyền cũ, xuống cấp. Các lực lượng thực thi nhiệm vụ sử dụng các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605, đưa phân đội thuộc Lữ đoàn 146 ra đóng giữ bãi đá Gạc Ma và 70 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Công binh 83 Hải quân đi xây dựng đảo, 4 đồng chí thuộc Đoàn đo đạc và biên vẽ Hải đồ. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 được giao chỉ huy thực hiện nhiệm vụ này.
Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho tàu “ủi bãi” lên đảo Cô Lin sau khi bị tàu địch bắn cháy, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ-505 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát |
Để thực hiện theo đúng kế hoạch, lực lượng Hải quân ta nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bình tĩnh, khôn khéo, quyết tâm bảo vệ đảo đến cùng, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Bởi trên thực tế, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 là cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất, công sự che thân, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên 3 tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Đảo trưởng đảo Gạc Ma, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu, giành lại cờ Tổ quốc và siết chặt đội ngũ để bảo vệ lá cờ đỏ thiêng liêng. Thiếu úy Trần Văn Phương anh dũng hy sinh, nhưng câu nói đanh thép của anh trước kẻ địch, vẫn còn vang vọng mãi: "Đây là lãnh thổ của Việt Nam, các anh đã xâm phạm, hãy rút khỏi đây, đừng gây đổ máu vô ích". Cuộc giành giật và bảo vệ cờ Tổ quốc diễn ra trên đảo Gạc Ma ngày càng quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh dũng cảm đánh bật đối phương, nhanh trí quấn lá cờ Tổ quốc vào quanh ngực mình. Hai đồng đội kịp thời hỗ trợ, giúp anh đứng thẳng hiên ngang trước quân thù, tiếp tục giữ chặt hơn lá cờ Tổ quốc vào người. Hành động đấu tranh kiên quyết và sự hy sinh anh dũng của Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh đã thôi thúc các đồng chí trên đảo quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Bà Hà Thị Liên (quê Can Lộc, Hà Tĩnh), mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương, hôn lên di ảnh con trai ở khu lưu niệm di vật liệt sĩ Gạc Ma trong Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: TTXVN phát |
Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Trần Đức Thông và nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh cùng với tàu HQ-604 ở vùng biển Gạc Ma, trước các loại hỏa lực mạnh của quân địch. Nhưng các anh đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm chiến đấu, quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh con tàu HQ-505 với 2/3 thân tàu trên đảo đã trở thành cột mốc chủ quyền vững chắc trên đảo Cô Lin… Tổ quốc và nhân dân mãi mãi tự hào, biết ơn tinh thần chiến đấu quả cảm, sự cống hiến hy sinh to lớn của các anh để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tàu HQ-505 và các đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng.
Bà Lê Thị Muộn, mẹ của Liệt sĩ Phan Văn Sự, người đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ đá Gạc Ma năm 1988, mặc chiếc áo - kỷ vật duy nhất còn lại của người con trai, tại chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”, ngày 14/3/2013. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Ai đã từng đến với Trường Sa, được tham gia thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sỹ đã ngã xuống trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, sẽ không thể nào quên được tiếng trầm hùng của nhạc lễ giữa biển cả mênh mông, khiến cho những vị tướng đã qua bao phen trận mạc, hay cả những người trẻ chưa từng bước chân vào quân ngũ, đều không khỏi nghẹn lòng khi nghĩ về cuộc chiến đầy bi thương nhưng cũng rất đỗi tự hào, về sự hy sinh của những người lính trẻ cho chủ quyền đất nước thân yêu.
Các chiến sĩ đưa đồ lễ thả xuống biển tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền (ảnh chụp 26/12/2019). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Những ngày tháng ba lịch sử này, với tất cả tình cảm trân quý, niềm tự hào, biết ơn sâu sắc nhất, mỗi người dân đất Việt thêm tưởng nhớ tới các anh – những người con ưu tú của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh quên mình vì non sông đất nước. Trường Sa không xa, Trường Sa luôn trong tâm thức người Việt Nam. Vùng biển đảo thiêng liêng đó đã có những người con kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ của Tổ quốc ở Biển Đông.
Sau sự kiện Gạc Ma, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Cho đến nay, các vị trí này đã được Hải quân và nhân dân Việt Nam củng cố, bảo vệ vững chắc. Trong ảnh: Chiến sĩ đảo Nam Yết luyện tập võ thuật, nâng cao sức khỏe để đảm đương xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống. Ảnh: Dương Giang – TTXVN |
Diệu Thúy