Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19

Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19

Thống kê trong tuần từ ngày 7 đến 13/5, nước ta ghi nhận 15.636 ca mắc COVID-19. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.589.567 ca mắc; trong đó có 10.632.049 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 43.201 ca tử vong. Hiện có 75 ca đang thở ô xy, trong đó 65 ca thở ô xy qua mặt nạ; 6 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 1 ca thở máy không xâm lấn; 3 ca thở máy xâm lấn. 

 

Theo phân tích của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từ các ca nhập viện trên địa bàn, 86% bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở bệnh viện có bệnh nền; khoảng 30% bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine. 

Bác sỹ Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, số người cao tuổi sẽ tiếp tục gia tăng, người cao tuổi thường đi kèm với các bệnh lý nền. Những người cao tuổi mắc đa bệnh lý, người suy giảm miễn dịch khi mắc COVID-19 sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Trong đó, hệ miễn dịch suy giảm sẽ làm bùng lên các đợt cấp của các bệnh lý mạn tính như hen, tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Tình trạng này có thể chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ người nguy cơ là việc nên làm nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.

Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19 ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 đa số tập trung ở người cao tuổi có bệnh nền. Ảnh: TTXVN phát

Nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19

Cũng theo thống kê, trong tuần đã có 5 bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Tây Ninh, Bến Tre, Sóc Trăng, Nam Định, trong đó có 2 trường hợp ở Tây Ninh và các địa phương khác là 1 trường hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, giai đoạn tháng 4 và đầu tháng 5/2023, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh tử vong do COVID-19. Theo các chuyên gia, tất cả các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện một trường hợp nào tử vong ở trên người bệnh không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.

Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19 ảnh 2Bệnh nhân COVID-19 đa số tập trung ở người cao tuổi có bệnh nền. Ảnh: TTXVN phát

Ước tính tỷ lệ tử vong so với số nằm viện dao động khoảng 0,47%. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 0,37%, thấp hơn nhiều so với con số 0.99% của thế giới. Con số này thể hiện nỗ lực của các cơ sở khám, chữa bệnh Việt Nam trong đại địch COVID-19 thời gian vừa qua, khi chuyển đổi rất nhiều hình thức, từ cách ly điều trị tuyệt đối 100% tại bệnh viện đến triển khai cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó triển khai điều trị giám sát tại nhà.

Để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên cả nước tiếp tục cảnh giác, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc COVID-19, trong đó chú trọng các đơn vị hồi sức, chạy thận… có những bệnh nhân bệnh nền nặng đang điều trị tại bệnh viện để cách ly, tránh để lây nhiễm vào trường hợp bệnh nền nặng. Các cơ sở y tế tiếp tục tăng cường năng lực cho đơn vị hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục theo dõi sát, khi điều trị ca bệnh cần tăng cường hội chẩn với tuyến trên để có sự liên kết giữa các tuyến, tạo thuận lợi cho việc chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa cũng khuyến cáo các cơ sở y tế hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp các ca bệnh tăng cao, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối.

Hiện, so với các bệnh truyền nhiễm khác tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do COVID-19 vẫn cao, khi ở mức 0,37 (sốt xuất huyết 0,09%). Vì vậy, không thể chủ quan mà phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết. Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng; đồng thời cũng cần chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa nói.

Cảnh giác với các biến chủng mới xuất hiện

Ngày 3/5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chiến lược mới trong phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn. Trước thông tin WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên, dịch COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hàng ngày, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc, trong đó vẫn có trường hợp nhập viện, trường hợp nặng, thậm chí có ca tử vong.

"Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi. Đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5/2023, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện", Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.

Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19 ảnh 3Khu vực điều trị nội trú cho bệnh nhân covid-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TTXVN phát


Liên quan đến vấn đề khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc công bố dịch gồm 5 nội dung: Thứ nhất trên dịch bệnh; thứ hai là thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô; thứ ba là nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; thứ tư là các biện pháp phòng chống và thứ năm là các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.

Với 5 nội dung này, vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch để các cơ quan liên quan và người dân nắm được. Mỗi số liệu đưa ra đều mang ý nghĩa giúp cho người dân và cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện một cách xuyên suốt thống nhất, giúp cho nhanh chóng khống chế dịch. Đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5/5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Đối với Việt Nam, Cục Y tế dự phòng sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết – Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng khẳng định, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch, không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam. WHO đã đưa ra 7 khuyến nghị cho Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, gồm: Duy trì những thành tựu đã đạt được trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm thông qua COVID-19; tích hợp tiêm phòng COVID-19 vào các chương trình tiêm chủng thường quy; tích hợp giám sát COVID-19 với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác; bảo đảm có nguồn cung cấp vaccine tốt, chẩn đoán và điều trị tốt…

Về các biện pháp liên quan đến đi lại, Việt Nam đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ…

Người dân cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ

Một trong những khuyến nghị được WHO đưa ra đối với Việt Nam là: lồng ghép tiêm chủng COVID-19 vào chương trình tiêm chủng suốt đời, trong bối cảnh chuyển sang quản lý dài hạn đối với bệnh này. Hiện nay Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho người từ 5 tuổi trở lên, tập trung tiêm bổ sung mũi 3-4, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch).

Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19 ảnh 4Người dân đến tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trạm Y tế xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Phó giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: Từ năm 2021 đến nay, Việt Nam đã tổ chức tiêm vaccine COVID-19 theo hình thức chiến dịch quy mô lớn cho các nhóm đối tượng bao gồm: người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 5 - 17 tuổi. Đến nay đã có hơn 266 triệu mũi tiêm đã được thực hiện, trong đó tiêm vaccine ở nhóm nguy cơ cao và người có bệnh nền đã đạt tỷ lệ bao phủ hơn 80%.

Nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua thời gian, vaccine COVID-19 cũng như các vaccine khác đều suy giảm miễn dịch. Do đó, những người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine tăng cường để phòng bệnh. Thậm chí, người đã mắc COVID-19 vẫn tiếp tục có mũi tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của WHO. Thời gian tới, Việt Nam sẽ không tổ chức tiêm vaccine COVID-19 liên tục thường xuyên như trước đây, mà lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng, mỗi trạm y tế xã, phường sẽ có 3-4 buổi tiêm một tháng, tùy theo trạm đó ở vùng thuận lợi hay vùng đi lại khó khăn có thể tổ chức 2 buổi/tháng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng thông tin và nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để duy trì chuỗi cung ứng vaccine COVID-19. Các cơ sở tiêm chủng đều thuần thục về thực hành tiêm vaccine phòng COVID-19, phương thức bảo quản. Việc cung cấp vaccine COVID-19 các tuyến trung ương, khu vực, tỉnh, huyện đều thuận lợi và thành thạo. Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào tiêm chủng mở rộng”.

Không chủ quan, có phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết đối với dịch COVID-19 ảnh 5Học sinh trường THCS thị trấn Khánh Yên, Lào Cai đã trở lại học tập ổn định và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Trước tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây, người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt, những người nguy cơ cao mắc COVID 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng khuyến cáo.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm