Người dân huyện Quan Sơn sơ chế Vầu để bán cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN |
Tất cả sự đổi thay đó, là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã nỗ lực không ngừng, khắc phục mọi khó khăn, chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau hơn 7 xây dựng, Tam Lư tự hào là xã vùng cao biên giới đầu tiên của huyện Quan Sơn nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng “cán đích” nông thôn mới. Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết, toàn xã Tam Lư có 672 hộ/3.126 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Thái, Mường và Kinh; trong đó, dân tộc Thái chiếm hơn 98% dân số. Thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, Tam Lư mới đạt 4/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đạt thấp. Bên cạnh đó, Tam Lư là xã thuần nông, ngành nông nghiệp chiếm 98%, tỷ lê hộ nghèo chiếm hơn 50%, đời sống của nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu… nên việc huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Xác định công tác chỉ đạo, điều hành là yếu tố quan trọng để từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã đã phân công các thành viên trực tiếp phụ trách các thôn, bản “cầm tay chỉ việc” để hoàn thành các tiêu chí. Để làm được điều đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã không quản ngại nắng mưa, địa hình hiểm trở thường xuyên bám cơ sở, tổ chức giao ban hàng tuần, hàng tháng tại các thôn, bản để nắm bắt và kịp thời phát huy những lợi thế và khắc phục những tồn tại, khó khăn. Tại các hội nghị, người dân có vai trò chủ thể, được góp ý, nói lên tiếng nói của mình nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía người dân… Bên cạnh đó, để tạo nên phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã phát động các phong trào thi đua: Tuổi trẻ Tam Lư chung tay xây dựng nông thôn mới; Phụ nữ Tam Tư xây dựng nông thôn mới; Hội thi Nhà nông tài giỏi… Từ các phong trào trên, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đa số người dân trong xã đã xác định được chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, trong đó người dân là chủ thể. Ông Lữ Văn Chiên, Bản Muống, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn phấn khởi cho biết, mới đầu 3 chữ “nông thôn mới” còn rất xa lạ đối với người dân trong xã. Tuy nhiên, qua các cuộc họp thôn, bản được các cán bộ đến nói chuyện, tuyên truyền, người dân đã nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau hơn 7 năm xây dựng, người dân đã thực sự được hưởng thành quả. Giao thông đã thuận lợi thông suốt, tạo điều kiện cho bà con giao thương, trao đổi hàng hóa. Tập quán nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn đã không còn nữa, người dân được sống trong môi trường sạch sẽ… Bộ mặt nông thôn thực sự đã có nhiều khởi sắc…
Cây Vầu đang phát triển tại bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Chỉ tay về phía những ngọn đồi được phủ xanh hoàn toàn, Ông Vi Văn Piên tự hào cho biết thêm, Luồng và Vầu được xác định là 2 loại cây thoát nghèo của đồng bào dân tộc ở Tam Lư. Tuy nhiên, nếu như trước đây, bà con chủ yếu khai thác rừng tự nhiên, thì đến nay đã biết canh tác theo hướng thâm canh cho năng suất và chất lượng ngày càng cao. Đối với cây Vầu nếu khai thác tự nhiên thì khi cạn kiệt phải chờ từ 45 đến 50 năm cây mới hồi sinh và khai thác tiếp. Để tạo ra nguồn giống ổn định, bản thân ông Vi Văn Piên là người đi tiên phong trong việc ươm thành công cây Vầu. Theo đó, tháng 8,9 hàng năm, ông Vi Văn Piên thường vào rừng thu lượn hạt Vầu đem về ươm, sau nhiều lần thử nghiệm không thành, ông đã không ngừng mày mò, nghiên cứu, đến nay đã ươm thành công giống cây Vầu từ hạt ban đầu. Cây Vầu trồng bằng hạt, chỉ sau 4 đến 5 năm có thể khai thác cho năng suất và chất lượng cao hơn nhiều so với khai thác tự nhiên. Hiện, gia đình đã quy hoạch được vườn ươm Vầu giống diện tích hơn 200ha, không chỉ cung cấp nguồn cây giống cho bà con trong xã, mà con cung cấp cho bà con các xã và huyện lân cận… Để nâng cao thu nhập từ cây Vầu, ngoài việc bán nguyên liệu thô cho thương lái, địa phương đã tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai để thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện toàn xã có 15 cơ sở sơ chế Vầu, Luồng, Nứa, thu hút hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Theo đó, thu nhập bình quân trên địa bàn xã không ngừng tăng, năm 2016 là 19 triệu đồng/người/tháng; năm 2017 đạt 27,4 triệu đồng/người/tháng và năm 2018 là 30,6 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51% (năm 2012) xuống còn 6,4% (năm 2018). Cùng với các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư, xã Tam Lư cũng là điểm sáng trong việc vận động nhân dân, đóng góp vật chất, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản. Theo đó, xã có 6 nhà văn hóa được xây dựng khang trang, trong đó có 3 nhà văn hóa do nhân dân tự đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để xây dựng. Đó là nhà văn hóa bản Piềng Khóe, bản Sại và bản Tình. Có nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc qua đó cũng được bảo tồn và giữ gìn… Có thể khẳng định, việc xã vùng cao biên giới Tam Lư hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới, là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong suốt thời gian qua. Những thành quả này, chắc chắn sẽ là “cú hích”, là “bàn đạp” để địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững; phấn đấu xây dựng xã kiểu mẫu nông thôn mới trong thời gian tới….
Khiếu Tư