Khởi sắc các bản vùng cao ở Phú Thọ

Nhà sàn truyền thống của người Mường. Nguồn: baophutho.vn
Nhà sàn truyền thống của người Mường. Nguồn: baophutho.vn

Nhờ những hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều thôn, bản, xã vùng cao của tỉnh Phú Thọ đã từng bước thay da đổi thịt, hạ tầng nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã vùng cao trong tỉnh được cải thiện. Từ đó, nhiều địa phương từng bước cán đích nông thôn mới và trở thành những điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cải thiện

Đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Thọ, cảm nhận đầu tiên là sự đổi thay rõ nét ở những vùng quê nơi đây với những ngôi nhà khang trang, kết cấu hạ tầng kiên cố. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân đã có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương vươn lên thoát nghèo. Người dân đã ý thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, thâm canh tăng vụ, hướng đến sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao…. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng cải thiện.

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét, khu Đèo Mương, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn trước kia muốn vào được khu này phải đi mất cả giờ đồng hồ trên những cung đường quanh co, gồ ghề đất đá, mưa lũ thì trơn trượt, đời sống của người dân thiếu thốn trăm bề. Giờ đây, vùng đất khó này đã thực sự chuyển mình với đường xá phong quang, nhà văn hóa khu, lớp học xây kiên cố cùng những ngôi nhà tươi màu sơn mới của đồng bào người Mường xen lẫn màu xanh trù phú của đồi rừng, hoa màu.

Khởi sắc các bản vùng cao ở Phú Thọ ảnh 1Các xã Nga Hoàng, Thượng Long (huyện yên Lập) nhìn từ đỉnh Đèo Mương (xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn). Nguồn: baophutho.vn

Ông Hà Đức Hinh, khu Đèo Mương chia sẻ, trước đây, gia đình rất khó khăn, không đủ ăn. Nhờ trồng cây lâm nghiệp, gia đình đã khấm khá hơn. Các con, cháu đã được học hành đến nơi đến chốn, sinh hoạt hàng ngày cũng được cải thiện đáng kể. Không những thế, gia đình còn sắm sửa tivi, quạt máy… và có vốn chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, đào ao thả cá. Năm 2019, sau khi tham khảo một vài mô hình trong huyện, gia đình ông Hinh đã chuyển đổi 2ha diện tích đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng quế. Đến nay, cây quế phát triển tốt, nhiều hộ trong khu đang dần chuyển đổi trồng quế thay thế diện tích đất lúa nương kém hiệu quả…

Ông Phùng Văn Thọ, Trưởng khu Đèo Mương 1 bộc bạch, Đèo Mương nay đã có đường giao thông thuận lợi, điện sáng từ nhà ra ngõ... đổi thay lớn nhất có lẽ chính là nếp nghĩ, cách làm của bà con. Nhiều cách làm mới, cách nghĩ mới đã “kéo” Đèo Mương gần hơn với miền xuôi. Người dân Đèo Mương bây giờ không còn nuôi gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Người dân đã biết tổ chức sản xuất, làm vườn,… người trẻ đi học, đi làm ăn xa để có thêm thu nhập giúp đỡ cho gia đình.

Bên ấm trà nghi ngút khói, tỏa hơi ấm xua tan cái lạnh buốt của những ngày đầu năm, ông Hoàng Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc chia sẻ, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của người dân đang dần thay đổi. Hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu dạy học, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khi đời sống đã có nhiều tiến bộ, mọi hủ tục dần được thay thế bằng nếp sống văn hóa mới... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”. Qua đó, từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn và về đích nông thôn mới.

Vùng cao đang từng ngày khởi sắc

Khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu là một trong những khu cao và xa nhất của huyện miền núi Thanh Sơn. Ông Đặng Thế Mão, Bí thư Chi bộ khu Sinh Tàn cho hay, từ trung tâm xã lên Sinh Tàn chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, ngoằn nghèo khúc khuỷu với một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Con đường đất đỏ, hai bên giăng kín những gốc giang. Trời mưa, nước từ lá giang chảy xuống làm con đường càng trở nên trơn trượt. Muốn đi lên đến bản, người dân hay cán bộ địa phương phải lấy dây thừng quấn vào xích xe hoặc chặt cành cây đập dập buộc vào phía sau bánh tạo lực cản, tăng độ bám mới đi được đến nơi… Vì thế, cuộc sống của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả bản ngày xưa chỉ đào được hai con ruộng, trồng lúa gié, năng suất thấp. Không chỉ vậy, muông thú nhiều thường xuống phá nương. Để giữ lương thực, người dân phải làm chòi, dựng lán ở ngay tại ruộng, buộc dây dừng vào ca táp (cây bương bổ đôi) kép dập vào nhau nhằm tạo tiếng động xua thú dữ…

Năm 2012, được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tuyến đường bê tông từ xã lên khu đã được hình thành. Từ đó, Sinh Tàn thay đổi rất nhiều từ nhận thức đến đời sống của người dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng khu luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Trước đây, trong khu, nhiều hộ muốn xin vào hộ nghèo để được nhận các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nay các hộ đó đã chủ động xin thoát nghèo.

Khởi sắc các bản vùng cao ở Phú Thọ ảnh 2Nhà sàn truyền thống của người Mường. Nguồn: baophutho.vn

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu cho biết, khu Sinh Tàn có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây trước kia được gọi là “ốc đảo”, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng giờ Sinh Tàn đã thực sự thay da đổi thịt, khoác trên mình một sắc màu mới đẹp hơn, bề thế hơn. Khu đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi với mức thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm… Số hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ có nhà xây kiên cố tăng cao. Khu hiện có 73 hộ chỉ còn 13 hộ nghèo; 20% số hộ có nhà xây kiên cố.

Theo ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở những xã vùng sâu, vùng xa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn miền núi của huyện đã từng bước thay đổi, nhiều xã đã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng giao thông đã phát triển rộng khắp, đường vào khu sản xuất phần lớn đã được đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho người dân trong huyện. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho các hộ dân…

Trên thực tế cho thấy, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế khu vục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, chương trình sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất. Từ chỗ thiếu thốn trăm bề, sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh Phú Thọ, đến nay 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn bản có điện lưới với trên 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%... Đời sống của đồng bào vùng cao đang từng ngày khởi sắc.

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm