Ngày 27/9, tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ khởi công Dự án “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”.
Đại diện Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus cho biết, dự án là một tổ hợp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: chọn lọc, sản xuất lợn giống - gà giống; nhà máy giết mổ lợn tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và hướng tới xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.
Dự án được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại được vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0, góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và cải thiện chất lượng thịt sạch, đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng cũng như chi phí vận hành, mang lại sự ổn định và vững bền cho trang trại.
Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về lợn giống ông bà, bố mẹ, lợn giống thương phẩm có chất lượng cao, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, trong thời gian tới, nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Do đó, Dự án “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk” không chỉ có ý nghĩa khởi động một dự án có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, mà còn mở ra triển vọng, đánh dấu một mốc phát triển mới của ngành chăn nuôi nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.
“Đặc biệt, dự án được đầu tư theo hướng thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao, tạo tiền đề cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt lợn, thịt gà của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Dự án sẽ giải quyết bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn và gà năng suất chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra chuỗi liên kết, phát triển bền vững từ con giống đầu vào, thức ăn, quy trình chăm sóc, giết mổ, chế biến và phân phối theo chuỗi kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là dự án là mô hình tiêu biểu, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, giảm tiêu thụ năng lượng, chi phí vận hành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự án cũng là mô hình kiểu mẫu về phát triển, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, sử dụng điện năng lượng mặt trời, canh tác theo hướng hữu cơ. Dự án tạo ra cơ hội việc làm cho gần 300 lao động địa phương, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được thực hiện từ quý III/2020 đến quý IV/2025. Dự án có quy mô khoảng 200 ha; trong đó, khu trang trại chăn nuôi lợn giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, có diện tích khoảng 80 ha; khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30 ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 15 ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20 ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30 ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25 ha.
Tuấn Anh