Vân Hồ là một trong những địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tương đối cao tại tỉnh Sơn La với 117 bé trai/100 bé gái. Trước thực tế trên, địa phương triển khai nhiều giải pháp để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn do phong tục, tập quán của người dân.
Vợ chồng anh Giàng A Tánh (ở bản Co Lóng, xã Lóng Luông) năm nay gần 30 tuổi nhưng đã có 3 con đều là gái (đứa lớn nhất năm nay học lớp 1, bé nhất mới sinh được 6 tháng). Vì vậy, anh Tánh luôn khao khát có một người con trai để nối dõi. Anh Tánh bộc bạch, vợ chồng anh chắc phải đẻ thêm một đứa con trai nữa khi con út được khoảng 2-3 tuổi. Người Mông không có con trai thì bị coi không có trụ cột.
Gia đình chị Giàng Y Chi (ở xã Lóng Luông) đã có 2 con gái hơn 5 tuổi. Dù nhận thức được rằng sinh con nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và vất vả hơn trong việc chăm lo cho con cái nhưng vợ chồng chị vẫn nuôi hy vọng thời gian tới sẽ có con trai do phong tục của người Mông bao đời nay. Chị Giàng Y Chi cho hay, năm nay chị 23 tuổi. Chị lấy chồng từ năm 17 tuổi, dự kiến năm 2025, hai vợ chồng sẽ sinh một bé trai. Theo phong tục, quan niệm của người Mông, nếu chỉ có con gái tương lai của vợ chồng chị không có ai thờ cúng. Vì vậy, vợ chồng chị bắt buộc phải có con trai.
Là một trong những xã của huyện Vân Hồ còn tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, cán bộ y tế xã Lóng Luông nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con không lựa chọn giới tính khi sinh, thay đổi phong tục, tập quán. Tuy nhiên, quá trình tuyên truyền còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân chưa có nhiều thay đổi.
Ông Tếnh A Kháng, cán bộ chuyên trách dân số, Trạm Y tế xã Lóng Luông cho biết, trạm đã có công văn, kế hoạch tuyên truyền xuống các bản, lồng ghép vào cuộc họp, tổng kết của Ban quản lý bản để nâng cao nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. Bởi phong tục, tập quán của người Mông từ xưa đến nay,các gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng cha mẹ. Ngoài ra, phong tục người Mông bắt buộc con trai mới được thờ cúng khi bố mẹ mất.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ, tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn năm 2022 là 117 bé trai/100 bé gái. Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hàng năm, Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ đã tham mưu UBND huyện xây dựng chỉ tiêu và giải pháp khống chế sự gia tăng tỷ số này. Đồng thời, chỉ đạo trạm y tế các xã phối hợp với tổ chức đoàn thể xã, các bản, tiểu khu thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2020-2025); tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở; tổ chức hoạt động ngoại khóa trong trường học bằng hình thức sân khấu hóa, giao lưu với học sinh, giáo viên về nội dung bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Năm 2022, ngành Y tế huyện tuyên truyền lồng ghép nội dung về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho hơn 4.000 lượt người; bồi dưỡng 70 cán bộ trạm y tế các xã về truyền thông giáo dục công tác dân số và phát triển, trong đó có nội dung về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cơ quan chuyên môn sản xuất và phát hành 6 chương trình có nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh trên sóng truyền thanh của Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa sâu rộng, không phù hợp với đặc điểm của từng vùng; mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh hoạt động hiệu quả thấp.
Ông Sồng A Vừ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ nêu rõ, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các xã. Bên cạnh đó phối hợp với cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng Câu lạc bộ "Gia đình không sinh con thứ ba"; phối hợp tổ chức Hội thi tìm hiểu về "Giới và bình đẳng giới", "Gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" và biểu dương gia đình tiêu biểu 2 con một bề là gái. Cùng với đó, triển khai mô hình "Bạn gái tiêu biểu" tại các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn. Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, giúp nâng cao nhận thức và từng bước làm thay đổi hành vi về công tác dân số, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện.
Hữu Quyết