Khi lòng dân đồng thuận

Khi lòng dân đồng thuận

Huyện Lạc Dương là địa bàn giáp ranh, đang được tỉnh Lâm Đồng định hướng phát triển để trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt.

Khi lòng dân đồng thuận ảnh 1Đoạn đường chưa được nâng cấp, mở rộng khiến giao thông đi lại khó khăn. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN

Trong những năm gần đây, địa phương này đã mở mới hoặc mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường với chiều dài hàng chục km, ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân. Đáng chú ý, tất cả diện tích đất mặt đường có giá trị cao này đều được người dân tình nguyện đóng góp theo phương thức “Người dân góp đất, Nhà nước đầu tư” giúp tiết kiệm nhiều kinh phí đầu tư công của Nhà nước.

Tại tuyến đường 19/5 chạy qua thị trấn Lạc Dương, nhiều nhóm công nhân đang thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Nhiều ngôi nhà đã được dỡ bỏ hàng rào, mái che nắng, sân bê tông, vườn hoa… phía trước nhà để nhường đất cho Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường này.

Khi lòng dân đồng thuận ảnh 2Mở rộng ngã ba trên tuyến đường 19/5 huyện Lạc Dương. Ảnh: Chu Quôc Hùng-TTXVN

Gia đình ông Đặng Xuân Trường (trú tại tổ dân phố Bon Nớ B có nhà trên tuyến đường 19/5) là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất với tổng diện tích đất phục vụ làm đường lên tới 400 m2 cùng với một số công trình kiến trúc. Nếu tính theo giá thị trường (50 triệu đồng/m2), diện tích nhà ông hiến để làm đường lên tới 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, gia đình ông đều đồng tình và chỉ nhận hỗ trợ 60 triệu đồng để tháo dỡ công trình kiến trúc trên đất.

Ông Đặng Xuân Trường cho biết, khi chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của người dân khu phố về việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường 19/5, đa số người dân rất mừng và đồng tình ủng hộ. Tuyến đường này đã xây dựng cách đây hàng chục năm nhưng do các phương tiện vận tải chở nông sản, vật liệu xây dựng chạy qua nhiều nên đã hư hỏng nặng. Nay tuyến đường 19/5 được Nhà nước đầu tư cải tạo. Để mở rộng đường, 90% số hộ trong khu phố này đồng tình hiến đất.

Hộ gia đình ông Bùi Thanh Liêm (trú tại tổ dân phố Bon Nớ B) bị thu hồi 30m2 để làm đường. Theo ông Bùi Thanh Liêm, việc cải tạo, nâng cấp con đường này sẽ đem lại nhiều lợi ích thực tế cho người dân. Bởi vì, đường sá rộng rãi và sạch đẹp giúp bà con hai bên đường làm ăn buôn bán thuận lợi hơn.

Khi lòng dân đồng thuận ảnh 3Tuyến đường 19/5 đi qua thị trấn Lạc Dương được mở rộng, nâng cấp. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN
Khi lòng dân đồng thuận ảnh 4Vợ chồng ông Cil Brét, người Lạch ở Tổ dân phố Đan Kia đã 2 lần hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN
Khi lòng dân đồng thuận ảnh 5Nhiều căn nhà sau khi hiến đất đã không còn sân vườn. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN

Thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng và Công trình công cộng Lạc Dương, Dự án đường 19/5 dài 3.021m, nền đường rộng 22m có tổng dự toán công trình trên 83,4 tỷ đồng. Dự án này được thực hiện theo phương thức "Người dân hiến đất, nhà nước đầu tư". Đáng chú ý, trên tuyến đường này có nhiều hộ người đồng bào gốc Tây Nguyên sinh sống.

Ông Cil Brét, sinh năm 1968, người Lạch (nhóm địa phương thuộc dân tộc Cơ Ho), Tổ trưởng Tổ dân phố Đan Kia cho biết: Gia đình ông đã hai lần hiến đất để làm con đường này. Lần đầu năm 2003, gia đình hiến 300m2 và lần này hiến 300m2, trong khi giá thị trường khoảng trên 30 triệu đồng/m2. Tổ dân phố của ông có tất cả 60 hộ bị ảnh hưởng trong dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường 19/5, trong đó 50% là người dân tộc thiểu số. Hiện 40 hộ đồng thuận, tình nguyện hiến đất để làm đường.

Trong giai đoạn từ năm 2019-2021, huyện Lạc Dương thực hiện 9 dự án như: nâng cấp sửa chữa, mở rộng đường Hàn Mặc Tử, đường Văn Lang, đường Duy Tân ở thị trấn Lạc Dương; đường liên thôn Đạ Nghịt xã Lát; xây dựng mới các tuyến đường 14/3, đường Tố Hữu ở thị trấn Lạc Dương; đường từ xã Lát đi xã Phi Tô của huyện Lâm Hà… Các dự án này đã ảnh hưởng tới 637 hộ gia đình với diện tích đất bị thu hồi lên tới trên 65.000m2. Tuy nhiên, hầu hết những dự án trên đều thực hiện theo phương thức người dân góp đất, nhà nước triển khai dự án. Nhờ vậy, mặc dù tổng mức đầu tư cho 9 dự án lên tới trên 346 tỷ đồng nhưng chi phí bồi thường, hỗ trợ cho các công trình trên đất của người dân chỉ chiếm trên 8,6% tổng nguồn kinh phí đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng và Công trình công cộng Lạc Dương cho biết: Từ nhiều năm qua, chính quyền huyện Lạc Dương xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là xương sống trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, thị trấn Lạc Dương nằm giáp ranh với thành phố Đà Lạt với định hướng xây dựng nơi này trở thành đô thị vệ tinh của Đà Lạt. Trong thời điểm hiện nay, huyện có thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội khá tương đồng với Đà Lạt như: cùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch. Xác định tầm quan trọng đó, bà con trên địa bàn rất đồng thuận với Nhà nước khi triển khai các dự án giao thông để thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa, thu hút khách du lịch hay định hình các khu vực sản xuất, khu định cư, khu thương mại dịch vụ…

Huyện Lạc Dương có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như Làng Cù Lần, Đà Lạt Tiên Cảnh, Quỷ Núi Suối Ma, Thung lũng vàng, Đồi Cỏ hồng, Cây thông cô đơn, đặc biệt là đỉnh Langbiang, nơi được coi là “Nóc nhà của Tây Nguyên” được nhiều du khách tìm đến thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng trong nhiều năm qua. Hầu hết những hộ gia đình trên địa bàn huyện Lạc Dương đều đã nhận thức được lợi ích của việc làm đường, mở rộng, nâng cấp đường đi qua diện tích đất ở, đất canh tác của gia đình sẽ đem lại lợi ích lớn so với những thiệt hại trước mắt. Vì vậy, phần lớn các hộ bị ảnh hưởng đều đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đầu tư mở rộng các tuyến đường nội thị, đường vành đai hay đường liên xã, liên tỉnh trên địa bàn…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm