Những ngôi nhà tạm ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang có nguy cơ bị sập khi bị biển xâm thực. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Một công trình của người dân ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang bị nghiêng, hư hỏng do xâm thực bờ biển. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, từ tháng 8/2016, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát để xem xét đầu tư một số dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, trong đó có công trình kè chắn sóng biển ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Đây là dự án cấp bách mà địa phương đã đề xuất sớm được hỗ trợ vốn để thực hiện, nhằm bảo vệ khu dân cư, cải thiện cảnh quan và vệ sinh môi trường. Đại diện UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, địa phương có trên 500m bờ biển bị xâm thực mạnh từ nhiều năm qua. Trong vùng này có 73 ngôi nhà, trong đó có 52 nhà tạm hay còn gọi là nhà chồ. Mỗi khi có bão, các hộ sinh sống trong khu vực này đều phải di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Tình trạng xâm thực bờ biển cũng đã khiến một số công trình, nhà ở của người dân bị nứt nẻ, hư hỏng.
Các hộ sinh sống trong khu vực này đều phải di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn |
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 – 2018, tỉnh Khánh Hòa sẽ đầu tư xây dựng công trình kè bờ biển thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Theo đó, công trình có chiều dài gần 1.170m, vốn đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 90 tỷ đồng, phần vốn còn lại từ ngân sách của tỉnh. Dự án này hoàn thành sẽ giúp ổn định cuộc sống của gần 200 hộ dân ở ven biển. Cũng tại huyện Vạn Ninh, dự án kè chắn sóng biển xã Đại Lãnh, dài trên 1.000m, tổng kinh phí đầu tư 135 tỷ đồng đã được thực hiện từ cuối năm 2015, nhằm chống xâm thực bờ biển, bảo đảm an toàn cho hơn 300 hộ dân.
Một đoạn bờ biển bị xâm thực ở xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang mới chỉ được kè tạm bằng đá. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài 385 km, có nhiều đầm, vịnh và hàng trăm đảo. Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm thực bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp gây sạt lở và thiệt hại về tài sản của người dân. Khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn để xây dựng các công trình kè chắn sóng biển, hỗ trợ di dời, sắp xếp chỗ ở cho người dân sinh sống ở vùng thường xuyên bị xâm thực bờ biển./.
TTXVN