Các di vật tìm kiếm được gồm 4 nhóm cơ bản là vật liệu xây dựng, gốm sứ, sành và kim loại. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Cuộc khai quật khảo cổ học cũng cho thấy giá trị lịch sử, văn hóa tại Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường. Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường được coi là "nơi phát phúc" của hoàng tộc triều Nguyễn, do đó trong suốt thời kỳ tồn tại của nhà Nguyễn, di tích được quan tâm đầu tư, tôn tạo và canh phòng nghiêm ngặt. Miếu Triệu Tường được lập để thờ Nguyễn Kim khi ông mất năm 1544. Từ khi xây dựng đến lúc hoàn thiện đã tạo thành một tổng thể kiến trúc gồm miếu thờ và thành bảo vệ, trong mỗi kiến trúc lại có những kiến trúc với các chức năng khác nhau. Có thể nói Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường là sản phẩm văn hóa của một vương triều, nơi hội tụ tinh hoa trên nhiều lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc trang trí, các điển lễ thờ cúng của một thời đại, đóng góp nhiều tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử nhà Nguyễn cũng như văn hóa Nguyễn.
Di tích Lăng miếu Triệu Tường - Quốc miếu của nhà Nguyễn được xây dựng trên khu vực địa hình cảnh quan đồng bằng tương đối bằng phẳng với hệ thống đồi núi thấp bao quanh, nay thuộc thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Cuộc khai quật đã phát hiện các dấu tích nền móng kiến trúc gồm: Tường thành và cổng phía Bắc, tường thành phía Đông, cổng phía Tây, cổng phía Nam; Tường miếu, nghi môn và các cổng phụ; các kiến trúc khác như Tây Đường, Miếu nhỏ, Hồ bán nguyệt, nhà Công quán, nhà kho, cầu, hồ sen....
Những di tích đã xuất lộ cho thấy dấu tích khu lăng miếu của hoàng tộc Nguyễn có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu vào bậc nhất so với các khu lăng mộ ở Việt Nam. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Trong đó, tường thành và cổng phía Bắc có diện tích khai quật là 1.070,8m2. Móng tường thành phía Bắc Đông Bắc còn nguyên vẹn, dài 80m, rộng 1,8m. Cổng phía Bắc là phần tiếp nối của 2 đoạn tường thành, bên trong có 2 vọng gác bên tả, bên hữu có hình chữ nhật. Đối diện với vọng gác có tường nối xung quanh phía trước tạo thành kiến trúc hình bán nguyệt. Cửa chính của cổng ở giữa 2 vọng gác và nằm về phía sau 2 vọng gác 1,7m.
Như vậy, về mặt quân sự, cổng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi 3 vọng gác, có thể xem đây là một thành nhỏ bao bọc lấy cửa thành. Trong lần khai quật này, ngoài các dấu vết kiến trúc đã xuất lộ, các nhà khoa học còn thu được một số lượng lớn di vật gồm 4 nhóm cơ bản là vật liệu xây dựng, gốm sứ, sành và kim loại. Đặc biệt trong đó có tới gần 3.000 hiện vật, chủ yếu là mảnh bát, nậm, vại, lon, bình, vò với các dòng men nâu, men trắng vẽ lam có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX...
Nguyên Miếu trong Khu Di tích lăng miếu Triệu Tường (Xã Hà Long, huyện Hà Trung). Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Những di tích đã xuất lộ cho thấy dấu tích khu lăng miếu của hoàng tộc Nguyễn có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu vào bậc nhất so với các khu lăng mộ ở Việt Nam. Cùng với thư tịch cổ, các tài liệu cổ học đã mở ra nhận thức về kết cấu tổng thể kiến trúc của Lăng miếu Triệu Tường là "Thành ngoài - Miếu trong", với phần bên ngoài là lũy thành, hào nước, bên trong là tường bao xung quanh, chia thành các khu vực khác nhau, trong đó Nguyên Miếu là trung tâm. Mặt bằng kiến trúc cũng cho thấy tính quy chuẩn, tính đăng đối giữa các công trình. Bước đầu so sánh có thể thấy di tích Lăng miếu Triệu Tường của Hoàng tộc Nguyễn có nét tương đồng với Thế miếu ở kinh thành Huế ở chỗ, nếu như Thế miếu là nơi thờ các chúa Nguyễn và vua Nguyễn thì khu Lăng miếu Triệu Tường là nơi thờ gốc tổ nhà Nguyễn tại cố hương, kết hợp với nơi an táng Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: Kết quả khai quật khảo cổ học tại Khu di tích Lăng miếu Triệu Trường đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu hệ thống lăng miếu hoàng gia thời Nguyễn ở Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung, cũng như bổ sung tư liệu cho việc thiết kế, tu bổ công trình này trong tương lai. Việc khai quật khảo cổ đã cho thấy tính xác thực của di tích cũng như làm rõ một phần kỹ thuật xây dựng di tích Lăng miếu Triệu Tường. Đến thời điểm này, có thể nhận thấy Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường là thái miếu đầu tiên còn nguyên vẹn mặt bằng tổng thể ở Việt Nam. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương quan tâm toàn diện hơn tới việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích Lăng miếu Triệu Tường. Tỉnh Thanh Hóa cần bắt tay vào nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường.
Di tích Lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Trải qua những biến động của lịch sử, Lăng miếu Triệu Tường đã bị san phẳng, nay chỉ còn dấu tích nền móng. Qua các cuộc khai quật thám sát khảo cổ đã cho cái nhìn tổng thể về quy mô, loại hình, kiểu kiến trúc cũng như diện tích xây dựng của khu di tích. Điều đó giúp công tác tôn tạo, phục dựng lại di tích có đầy đủ cơ sở khoa học trả lại cho di tích có được hình hài vốn có của nó.
Hoa Mai
TTXVN