Người dân đã ổn định trong những ngôi nhà mới. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 12, từ ngày 3-9/11/2017, trên địa bàn huyện Nam Trà My xảy ra mưa to đến rất to, kèm theo gió đã gây ra thiệt hại lớn về người, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt... Riêng tại thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân đã xảy ra sạt lở đất lớn, làm cho 144 ngôi nhà bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Trước tình hình trên, UBND huyện Nam Trà My đã xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng khẩn cấp khu dân cư làng Khe Chữ, thôn 2 và khu dân cư làng TakBuôn, thôn 3 của xã Trà Vân để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai đến nơi ở mới ổn định, an toàn.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết: Phát huy nội lực, với phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện đã và đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, để sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo và giao các đơn vị tập trung thông tuyến đường giao thông vào làng Khe Chữ để vận chuyển nhà cửa, tài sản, ổn định chỗ ở cho nhân dân. Đồng thời, thành lập Tổ Thường trực thường xuyên có mặt tại khu dân cư làng Khe Chữ và khu dân cư TakBuôn để theo dõi nắm tình hình, tham mưu Ban Chỉ đạo của huyện; phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu 5 triển khai kế hoạch, nội dung công việc giúp dân di dời nhà ở và xây dựng khu dân cư.
Bộ đội tham gia giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Trong những ngày cuối năm 2017, mặc cho gió lạnh cắt da cắt thịt, ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, hơn 250 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, sư đoàn 315 và lực lượng dự bị động viên, dân quân của huyện trên 120 người vẫn thường trực bám địa bàn để xây dựng khu dân cư làng Khe Chữ và khu dân cư làng TakBuôn. Huyện Nam Trà My đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện xây dựng hai khu dân cư này với quyết tâm hoàn thành trước tết Nguyên đán năm 2018, nhằm đảm bảo cho nhân dân có nhà ở để đón Tết.
Tính đến ngày 20/12, huyện Nam Trà My đã tiến hành cắm mốc, phân lô cho từng hộ để tiến hành san nền nhà cho dân, bình quân mỗi hộ từ 300-350m2, dự kiến bố trí cho 121 hộ (trong đó, đã san gạt được 36 nền nhà). Huyện cũng đã di dời 98 hộ dân đến ở tạm tại khu Khe Chữ; giúp nhân dân tháo 98 nhà cũ và vận chuyển được 42 nhà đến nơi ở mới (trong đó đã lắp lại 6 nhà). Gia đình ông Hồ Văn Tin, là một trong 6 gia đình đã được dựng lại nhà tại khu dân cư mới chia sẻ: “Sống ở nơi cũ luôn thấp thỏm lo lở núi, sạt đồi, giờ về khu dân cư mới, gia đình tôi yên tâm sản xuất và sinh sống rồi”.
Bộ đội tham gia giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Bộ đội tham gia giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Bộ đội tham gia giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, các cơ quan chức năng đã san ủi, mở đường công vụ nối thông từ Trà Vân – Đông Trường Sơn – Khe Chữ để vận chuyển nhà, nguyên vật liệu xây dựng khu dân cư. Đồng thời, huy động phương tiện vận chuyển nhà cũ, vật liệu, thiết bị phục vụ làm khu dân cư; mở 1.700m đường nội bộ khu dân cư Khe Chữ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thìn, Phó Trưởng Công an huyện Nam Trà My, Công an huyện đã triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phân công cán bộ chiến sĩ cùng phối hợp với các lực lượng tham gia giúp nhân dân di dời tái định cư tại nơi ở mới; tổ chức nắm chắc tình hình địa bàn, các tổ chức cá nhân đoàn thể đến thăm, tặng quà làm từ thiện, tránh tình trạng đối tượng xấu lợi dụng.
Lãnh đạo huyện Nam Trà My tặng quà cho người dân. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Bộ đội và dân quân đang giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN |
Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Nam Trà My đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện triển khai Tổ y tế phối hợp với Quân y của các đơn vị bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và lực lượng tham gia giúp dân; sẵn sàng có biện pháp xử lý các tình huống cấp cứu, ốm đau, dịch bệnh...; xử lý bảo đảm các nguồn nước cho các lực lượng sử dụng tại khu vực Khe Chữ.
Để đời sống người dân tại khu dân cư mới được sớm ổn định, lãnh đạo huyện núi cao Nam Trà My đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ đầu tư hạ tầng như đường giao thông, điểm trường học, nhà sinh hoạt động đồng, công trình thủy lợi trong thời gian sớm nhất.
Là huyện miền núi cao nằm trong chương trình 30a của Chính phủ, đời sống người dân Nam Trà My còn nhiều khó khăn, cộng vào đó lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên đời sống người dân càng khó khăn hơn. Trong hoàn cảnh đó, với sự giúp đỡ của cộng đồng cũng như cơ quan chức năng, chắc chắn người dân Trà Vân sẽ sớm vượt qua khó khăn để sớm ổn định nơi ăn chốn ở, chuẩn bị đón Tết cổ truyền tại nơi ở mới mà không lo sạt lở núi.
Là huyện miền núi cao nằm trong chương trình 30a của Chính phủ, đời sống người dân Nam Trà My còn nhiều khó khăn, cộng vào đó lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên đời sống người dân càng khó khăn hơn. Trong hoàn cảnh đó, với sự giúp đỡ của cộng đồng cũng như cơ quan chức năng, chắc chắn người dân Trà Vân sẽ sớm vượt qua khó khăn để sớm ổn định nơi ăn chốn ở, chuẩn bị đón Tết cổ truyền tại nơi ở mới mà không lo sạt lở núi.
Nguyễn Sơn
TTXVN