Tạo thuận lợi cho người bệnh
Chị Nguyễn Thái Hiền, công nhân làm việc trong khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), cho biết: Do đặc thù công việc làm theo dây chuyền, nên mỗi lần bị ốm cần xin nghỉ một buổi cũng rất khó, bởi không có ai thay vào vị trí của mình. Hơn nữa, do thu nhập tính theo sản phẩm, nên xin nghỉ là mất thu nhập của ngày hôm đó, năng suất giảm, cuối tháng còn bị trừ tiền thi đua... Bởi vậy lâu nay, chỉ khi nào bệnh rất nặng chị mới dám xin nghỉ phép đi khám. Nếu như bệnh viện khám cho bệnh nhân BHYT vào ngày thứ bảy hay chủ nhật, thì đỡ biết mấy, chúng tôi không phải nghỉ việc để đi khám bệnh", chị Hiền mong muốn.
Từ ngày 1/9, bệnh nhân khám bệnh ngày nghỉ, lễ được thanh toán BHYT.
|
Nguyện vọng này của chị Hiền cũng là mong muốn của hàng triệu công nhân, sinh viên học sinh, cán bộ viên chức - đối tượng chiếm số lượng thẻ BHYT nhiều nhất hiện nay. Để đáp ứng mong muốn này của người bệnh và nâng cao quyền lợi của người tham gia BHYT, Bộ Y tế đã triển khai Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT - BYT - BTC (Thông tư 16) do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện BHYT. Theo đó, từ ngày 1/9 tới đây, người có thẻ BHYT khám bệnh trong ngày nghỉ, lễ sẽ vẫn được thanh toán BHYT.
Theo bà Lưu Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, nhu cầu khám, chữa bệnh ngoài giờ của người dân là có, bởi trên địa bàn thành phố, những đối tượng như công nhân, nhân viên, học sinh - sinh viên đi khám những bệnh lý mãn tính có thời gian điều trị lâu dài không ít. Do vậy, trước khi có thông tư này, ở TP Hồ Chí Minh đã có một số bệnh viện công như Bệnh viện quận Gò Vấp, quận 2, quận Bình Thạnh... và hầu hết bệnh viện tư đã đăng ký khám chữa bệnh ngoài giờ có thanh toán BHYT.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày Bệnh viện quận 2 tiếp nhận khoảng 1.500 - 1.700 bệnh nhân khám ngoại trú và đa số bệnh nhân có thẻ BHYT. Nếu như năm 2011, bệnh viện chỉ có 6 bàn khám thì đến nay đã tăng lên 36 bàn khám. Bên cạnh đó, để nâng chất lượng khám và điều trị, bệnh viện đã dành thời gian khám và tư vấn nhiều hơn. Theo đó, số bàn khám hiện nay đã phải kéo dài đến hơn 12 giờ trưa, thậm chí buổi chiều tới 17 - 18 giờ mới hết bệnh nhân. “Để người dân không phải chờ đợi lâu, bệnh viện đã xin Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và BHXH TP Hồ Chí Minh mở thêm bàn khám ngoài giờ từ 16 giờ 30 đến 19 giờ và ngày thứ 7. Những bệnh nhân đến khám ngoài giờ đều được thanh toán BHYT. Trung bình mỗi tuần bệnh viện có 600 bệnh nhân đến khám ngoài giờ được chi trả BHYT”, bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết.
Còn theo bác sĩ Lê Hoàng Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, mặc dù là bệnh viện tuyến quận, bệnh viện cũng có đến 278.579 thẻ BHYT. Theo đó, hằng ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.400 lượt khám chữa bệnh, trong đó khám chữa bệnh BHYT chiếm 90%. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, bệnh viện mở rộng khả năng khám bệnh từ 6 giờ đến 18 giờ, phục vụ cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, kể cả những đợt nghỉ lễ, Tết. “Giá khám bệnh vào những ngày này bằng giá khám ngoài giờ của những ngày làm việc hành chính, nhưng bệnh nhân vẫn được BHYT thanh toán tiền thuốc”, bác sỹ Quý cho biết.
Còn phụ thuộc vào từng cơ sở
Theo bà Lưu Thanh Huyền, Thông tư 16 thực sự đã “mở” hơn so với các quy định trước đó, bởi cho phép các bệnh viện dù không bị quá tải vẫn có thể tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ và người bệnh cũng sẽ được hưởng BHYT. Tuy nhiên, các cơ sở y tế nào có tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, phải thông báo trước cho cơ quan BHXH. “Thông tư cũ quy định đơn vị nào thực hiện khám chữa bệnh ngoài giờ vào ngày nghỉ thì phải thực sự trong tình trạng quá tải và phải có đề án khám chữa bệnh ngoài giờ để gửi lên đăng ký với BHXH. Còn đối với Thông tư 16 nêu rõ, cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai và thông báo trước những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng khi tham gia BHYT”, bà Huyền cho biết.
Được xem là một trong những bệnh viện chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải nhất hiện nay, nhưng đến nay Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cũng chưa thể thực hiện khám chữa bệnh BHYT vào những ngày nghỉ. Bác sĩ Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện bệnh viện vẫn chưa triển khai khám BHYT vào ngày cuối tuần. Bởi để thực hiện khám chữa bệnh theo BHYT ngày cuối tuần hay ngày nghỉ, lễ, cần phải có sự tính toán rất kỹ về nguồn kinh phí chi trả như thế nào cho bác sĩ khám ngoài giờ, thu của người bệnh ra sao, BHYT sẽ thanh toán như thế nào... đặc biệt là phải có nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh trong những ngày này.
"Thông tư này đã mở ra một yếu tố pháp lý cho các bệnh viện, nhưng làm được hay không còn phụ thuộc vào từng đơn vị, cơ sở đó có đủ năng lực và nhân lực hay không. Bởi khám ngoài giờ thì phải có những khoản chi cho nhân viên làm ngoài giờ, phải có sự đồng thuận của người có thẻ BHYT để người ta chi trả thêm. Đồng thời, họ phải tính toán và cân đối việc khám ngoài giờ như thế nào, số lượng bệnh nhân dự kiến đến khám ngoài giờ là bao nhiêu...", bà Lưu Thanh Huyền cho biết thêm.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Khanh cũng chia sẻ: Để tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ thì cần phải có sự đồng thuận của các cán bộ viên chức trong bệnh viện. Khám ngoài giờ có lợi gì cho người dân và bác sĩ được hưởng quyền lợi gì. Để giải quyết hài hòa giữa hai bên, bệnh nhân sẽ được BHYT chi trả tiền thuốc, các cận lâm sàng và tiền khám bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ phải đóng thêm một phần chênh lệch tiền công khám bệnh. Tiền chênh lệch đó sẽ được bệnh viện trích ra để trả cho bác sĩ và tiền điện, nước...
Để Thông tư 16 được triển khai một cách mạnh mẽ và rộng rãi, Sở Y tế và BHXH TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn và tuyên truyền cho các bệnh viện. Theo đó, những cơ sở khám chữa bệnh nào có khả năng thực hiện khám chữa bệnh vào những ngày nghỉ, lễ sẽ được triển khai rộng rãi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua BHYT.
Báo Tin Tức