Khai thác tiềm năng văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Khai thác tối ưu tiềm năng văn hóa, phát triển đồng bộ với kinh tế - xã hội là giải pháp quan trọng góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đó là nhận định được đưa ra tại Tọa đàm “Văn hóa, Kinh tế, Xã hội và Nhân văn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Đặc trưng, đổi mới và phát triển”, do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Tổ chức JICA Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 29/9.

Khai thác tiềm năng văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ảnh 1Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Văn hóa là trụ cột để phát triển bền vững

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Văn hóa là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững (xã hội, môi trường, văn hóa, kinh tế). Trong đó, văn hóa đóng vai trò nền tảng, kết nối, thúc đẩy các nền tảng khác phát triển. Cụ thể, văn hóa sẽ giúp có được các giải pháp bền vững bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự hòa nhập xã hội và tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Đồng bằng sông Cửu Long có dân số trên 17 triệu người, là nơi giao thoa văn hóa của 4 cộng đồng dân tộc chủ yếu: Văn hóa Việt Nam của người Kinh, văn hóa Ấn Độ của người Khmer Nam Bộ, văn hóa Trung Quốc của người Hoa, văn hóa Hồi giáo của người Chăm. Điều này mang lại cho vùng nhiều tín ngưỡng tôn giáo đa dạng; quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa truyền thống cao; các làng nghề truyền thống với nét văn hóa làng nghề độc đáo…

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu một nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để thúc đẩy phát triển kinh tế, cụ thể là ngành Du lịch được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Văn hóa tâm linh là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên hệ thống chùa, đền, đình, miếu phong phú. Bên cạnh đó là văn hóa ẩm thực độc đáo dựa trên đặc trưng sông nước, dân dã. Vùng còn sở hữu hệ thống 13 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có di sản đã tham gia đóng góp tạo thành những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng như: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hò Cần Thơ...

Khai thác tiềm năng văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ảnh 2Diễn viên của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau biểu diễn tiết mục múa Rô băm. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Tiềm năng và thách thức

Nhiều đại biểu cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa có được định hướng phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng văn hóa của vùng. Nguyên nhân trước hết là do quy hoạch chưa đồng bộ, chưa có “nhạc trưởng”, khiến sự đa dạng văn hóa chưa trở thành những thương hiệu đặc trưng, mà “mạnh ai nấy làm”. Các tỉnh, thành phố trong vùng còn bị trùng lặp nhau trong thiết kế văn hóa bản địa thành các sản phẩm du lịch. Điều này dẫn tới sự chi tiêu của du khách không được nhiều. Lượng khách đến vùng chiếm gần 50% so với cả nước, nhưng tổng thu từ du lịch của vùng chưa tới 10% so với cả nước.

Ở góc nhìn của chuyên gia nước ngoài khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Tiến sĩ Tricia Seow (Đại học Nanyang Technological, Singapore) cho rằng: Hài hòa đa dạng văn hóa là chìa khóa cho sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt và đa dạng văn hóa, coi đây là tài nguyên để phát triển bền vững. Do đó, vùng cần có các kịch bản bảo tồn văn hóa các dân tộc, địa phương kết hợp liên kết trong và ngoài vùng, trong, ngoài nước. Đây là thách thức lớn đặt ra trong bối cảnh hiện nay mà vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có lời giải.

Biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối đầu. Các tác động tiêu cực như xâm nhập mặn, sạt lở, triều cường… ảnh hưởng nặng nề tới sinh kế, tập quán, văn hóa của người dân. Biến đổi khí hậu còn đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại và phục hưng các làng nghề truyền thống. Hiện toàn vùng có hơn 300 làng nghề truyền thống, trong đó có khoảng 30 làng nghề có tuổi đời trên 100 năm. Rất nhiều làng nghề nguyên liệu đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, như: nghề đan đát, dệt chiếu…

Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn chỉ ra một số thách thức trong bảo tồn và phát triển văn hóa của vùng như: Đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn chế; phân bố dân cư thưa thớt; chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, vẫn còn bị đánh giá là “vùng trũng” về giáo dục…

Một số nhóm giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở chỉ ra những thách thức, các chuyên gia đã đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm nhằm định hướng tháo gỡ khó khăn, khai thác tối ưu tiềm năng văn hóa trong phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển nguồn nhân lực, Tiến sĩ Bùi Thanh Thảo (Trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh: Nguồn lực con người có ý nghĩa quyết định đến việc sử dụng các nguồn lực khác. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường đầu tư ngắn, hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia hiện nay đang hướng tới. Bên cạnh nâng tầm chất lượng nhân lực nói chung, vùng còn cần chú trọng nâng tầm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Các giải pháp cụ thể được Tiến sĩ Bùi Thanh Thảo nêu ra là: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa; xây dựng các trường văn hóa, nghệ thuật, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo; đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, có chính sách khuyến khích họ trở về công tác tại địa phương…

Về định hướng tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa, coi đa dạng văn hóa là tài nguyên trong định hướng phát triển của vùng, các chuyên gia khuyến nghị quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long theo 6 tiểu vùng, tương ứng 6 loại hình văn hóa đặc trưng: Du lịch văn hóa - ẩm thực; du lịch biển đảo - đặc khu hành chính - kinh tế; du lịch miệt vườn - sông nước; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái khu bảo tồn, rừng ngập mặn; du lịch cửa khẩu…

Khai thác tiềm năng văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ảnh 3Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách khi đến Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đây là tọa đàm lần thứ 7 trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là SDMD 2045). SDMD 2045 được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ khởi xướng từ năm 2022. Tọa đàm thu hút gần 600 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tại hơn 30 điểm cầu trong và ngoài nước.

Tọa đàm được tổ chức nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế. Các ý kiến của chuyên gia sẽ được tập hợp và đề xuất lên Chính phủ, góp phần cùng Chính phủ, các cơ quan ban ngành xây dựng chính sách, giải pháp. Từ đó thúc đẩy hợp tác xây dựng, triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, biến văn hóa thành sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - nhân văn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm