Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu năm 2023

Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu năm 2023

Tối 21/10, trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023), tại huyện Bình Liêu diễn ra Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng năm 2023, khởi đầu cho chuỗi các hoạt động đặc sắc về văn hóa dân tộc, ẩm thực, thể thao của huyện miền núi miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.

Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu là hoạt động thường niên, nhằm tôn vinh giá trị danh thắng ruộng bậc thang nói riêng và Văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn nói chung, với chuỗi những hoạt động hấp dẫn, đặc sắc diễn ra từ ngày 15/10/2023 đến hết năm 2023 như: Giải chạy phong trào Cung đường mùa vàng; trải nghiệm hoạt động chèo Sup; nghi lễ mừng cơm mới của người Tày; Bóng đá nữ; dù lượn…

Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu năm 2023 ảnh 1Màn trình diễn nghệ thuật chào mừng lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu năm 2023. Ảnh: TTXVN phát

Trong khuôn khổ Hội mùa Vàng, nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra trong suốt tháng 10 tại xã Lục Hồn như: Nghi lễ mừng Cơm mới tại đình Lục Nà; chương trình dù lượn “Bay trên mùa Vàng” ngày 22/10 tại điểm bay đỉnh núi Cao Xiêm; trải nghiệm và theo dõi hoạt động biểu diễn chèo sup (chèo ván đứng) trên tuyến sông Tiên Yên thuộc địa phận huyện Bình Liêu; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông, lâm sản địa phương tại thôn Ngàn Pạt; trải nghiệm leo núi và cắm trại trên núi Cao Xiêm, cùng nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc...

Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu năm 2023 ảnh 2Các đại biểu khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa Vàng Bình Liêu 2023. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt trong những tháng cuối năm du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm "thiên đường" cỏ lau, khám phá "sống lưng khủng long" và hệ thống đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc; tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện như đình Lục Nà, cửa khẩu Hoành Mô, vườn hoa Cao Sơn; thác Khe Vằn, thác Sông Moóc; núi Cao Ba Lanh, núi Cao Ly... và tham gia giải chạy "Chinh phục sống lưng khủng long - mốc 1305”; check-in mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang; trải nghiệm nghi lễ Cúng mừng Cơm mới tại các gia đình người Tày; chiêm ngưỡng hoa Sở trong tháng 12…

Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân huyện Bình Liêu chú trọng công tác bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với sự tham gia của người dân đã từng bước đưa du lịch Bình Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn được định vị trên bản đồ du lịch trong nước và là địa điểm lý tưởng cho du khách quốc tế khám phá, trải nghiệm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện Bình Liêu và tỉnh Quảng Ninh.

P.V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm