Ngày 5/6, Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc trưng bày chuyên đề “Người đi tìm hình của Nước” nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021).
Trưng bày chuyên đề giới thiệu về hành trình gian nan đầy ý chí và nghị lực của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong 30 năm bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục với gần 30 quốc gia để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản.
Trưng bày chuyên đề gồm 8 phần. Phần 1: Nuôi ý chí (1890-1911); Phần 2: Vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920); Phần 3: Tìm ra ánh sáng (1920-1924); Phần 4: Thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930); Phần 5: Bước ngoặt lịch sử (1930-1941); Phần 6: Người về mang đến mùa Xuân (1941-1945); Phần 7: Người là niềm tin tất thắng (1945-1969); Phần 8: Viết tiếp trang sử vàng (1969 - đến nay).
Tại trưng bày, đáng chú ý có những hiện vật như đôi dép cao su theo chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới; bát ăn cơm Bác Hồ đã dùng trong thời gian sống tại gia đình ông Nông Kỳ Chấn, xóm Nà Tạo, thôn Hạ Đống, thị trấn Long Châu, Quảng Đông, Trung Quốc năm 1939; chậu thau và đồng hồ quả lắc, những vật dụng đã đặt tại căn phòng số 2, đường Ngư Phong, Liễu Châu, Trung Quốc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống sau khi ra tù năm 1943-1944; bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mặc khi đi thăm các địa phương trong nước, đi thăm các nước anh em, dự hội nghị và các cuộc họp của Chính phủ, tiếp khách quốc tế; viên gạch sưởi Nguyễn Ái Quốc đã dùng để chống rét; tờ báo Le Paria, người sáng lập tờ báo là Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đến tờ báo này; trang sổ lương ghi tên Văn Ba (Nguyễn Tất Thành), phụ bếp trên tàu đô đốc Latouche Tréville ngày 27/7/1911.
Phát biểu tại khai mạc trưng bày chuyên đề, Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Trong số hơn 300 ảnh, tài liệu và hiện vật tại trưng bày, có một số tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố. Với ý chí và nghị lực phi thường, Nguyễn Tất Thành đã vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ để tìm con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Những cống hiến vĩ đại của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Giờ đây, Bác đã đi xa nhưng sự kiện lịch sử ngày 5/6/1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước mãi in đậm trong tâm trí người dân trong nước và bè bạn trên thế giới, Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà khẳng định.
Trưng bày chuyên đề “Người đi tìm hình của Nước" sẽ kéo dài đến hết ngày 28/10.
Hạnh Quỳnh