Tối 1/11, tại Cần Thơ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ Khai mạc Liên hoan “Dân ca Nam Bộ thành phố Cần Thơ” năm 2022. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 1-4/11 tại công viên bến Ninh Kiều, với sự tham gia của 40 nhạc công và l60 diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh của 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Liên hoan năm nay có 47 tiết mục dự thi ở các thể loại (gồm 9 tiết mục Đơn ca, 9 tiết mục Song ca, 9 tiết mục Tam ca, 9 tiết mục Tốp ca và 11 tiết mục Hòa tấu nhạc cụ). Các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan xoay quanh các chủ đề: ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu lứa đôi; những thành tựu xây dựng quê hương đất nước nói chung và thành phố Cần Thơ trong thời kỳ đổi mới; nêu gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và văn hóa nông thôn mới; xây dựng và phát triển người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức còn lồng ghép hoạt động triển lãm bộ ảnh nghệ thuật và trình diễn, tặng chữ thư pháp, gia tăng thêm các trải nghiệm văn hóa cho người dân thưởng lãm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức cho biết, Liên hoan nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa của các loại hình văn hóa nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc truyền thống của vùng đất Nam Bộ gắn với đời sống xã hội. Liên hoan còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân đàn, hát dân ca, phát triển phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng ở địa phương; hướng tới bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị âm nhạc, làn điệu dân ca hò, vè truyền thống Nam Bộ.
Chất lượng các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý đánh giá đúng thực chất về phong trào văn hóa nghệ thuật tại thành phố. Từ đó, kịp thời tìm ra giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức thể hiện, tăng hiệu quả phong trào văn hóa nghệ thuật của thành phố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân.
Anh Hoàng Minh Tân, du khách đến từ Bắc Ninh cho biết, tôi thấy hạnh phúc vì chuyến du lịch trùng với lịch biểu diễn của Liên hoan “Dân ca Nam Bộ thành phố Cần Thơ” năm 2022. Tôi đã được xem các tiết mục dân ca Nam Bộ nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng đây là lần đầu tiên được thưởng thức trực tiếp, ngay trên mảnh đất sản sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo này, mang lại cảm xúc rất khác biệt. Đó là sự ngưỡng mộ, sự tự hào, cũng như mong muốn được tìm hiểu sâu hơn nữa về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam.
Dân ca Nam Bộ là loại hình âm nhạc do chính người dân lao động sáng tác, luôn mang theo những phong tục, tập quán, thể hiện lối sống và cảm xúc của người dân vùng đất Nam Bộ. Dân ca Nam Bộ rất phong phú về thể loại như: hò, lý, hát đưa em, hát huê tình, hát đối đáp, nói thơ, nói vè... Mỗi loại hình đều có những hình thức cùng giá trị nghệ thuật độc đáo và có những thủ tục, lề lối diễn xướng riêng. Đặc biệt, nghệ thuật Đờn ca tài tử là một trong những thể loại phổ biến nhất của Dân ca Nam Bộ, với những giá trị văn hóa dân tộc mà nó mang lại, Đờn ca tài tử đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thành phố Cần Thơ hiện có 4 di sản văn hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt tại Cần Thơ, cùng 14 di tích cấp Quốc gia, 24 di tích cấp thành phố và nhiều loại hình di sản văn hóa khác. Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, bên cạnh đó, thành phố cũng đã đề nghị và được cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu cho 1 Nghệ nhân nhân dân (nghệ nhân Trường Út) và 17 Nghệ nhân ưu tú.
Ánh Tuyết