Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Dưa hấu chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm khoảng 80% và xuất khẩu khoảng 20%, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 85 - 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam đạt 95,4 triệu USD, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây. Theo ông Trần Duy Đông, do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, phân tán nên hoạt động sản xuất diễn ra tự phát và theo phong trào, đôi khi xuất phát từ tín hiệu thu mua của thương lái nước ngoài do sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời của thị trường, dẫn đến các hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất liên tiếp, tràn lan khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu, tạo sức ép lên giá trong nước, gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ nông sản.
Dưa hấu Quảng Ngãi vào siêu thị Big C. Ảnh : baoquangngai.vn |
Để từng bước chủ động và ổn định thị trường đầu ra, Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về các quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu đã được tổ chức. Tuy nhiên, đến nay dưa hấu đã bắt đầu vào mùa thu hoạch nhưng việc tiêu thụ sản phẩm này vẫn chưa có đối tác thu mua. Trong việc tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục là một trong các cửa ngõ chính, quan trọng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây sang Trung Quốc. Do đó, Lạng Sơn tiếp tục hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thông suốt cho khu vực cửa khẩu, để đảm bảo tốt nhất xuất nhập khẩu trên địa bàn; bên cạnh đó, Lạng Sơn tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để giải quyết các vấn đề phát sinh. Các doanh nghiệp, thương nhân của Việt Nam và Trung Quốc chủ động thống nhất, triển khai các biện pháp, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tình hình mới, đặc biệt là các quy định về truy xuất nguồn gốc và kiểm định, kiểm dịch của nước nhập khẩu, đáp ứng về các nhu cầu giao dịch hàng hóa theo cam kết. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác cần tăng cường xây dựng các vùng sản xuất tập trung phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo nông sản có chất lượng; phân loại, đóng gói bao bì phù hợp theo thực tế yêu cầu; tiến tới chuẩn hóa các hình thức mua bán theo thông lệ quốc tế đảm bảo việc giao nhận hàng hóa được thuận lợi, nâng cao khả năng thông quan, tránh được tình trạng rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, hoa quả trái cây sang thị trường Trung Quốc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính mong muốn các thương nhân, doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc thực hiện việc ký kết hợp đồng thu mua, nhập khẩu sản phẩm dưa hấu và một số nông sản khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh để tiêu thụ hàng nông sản đảm bảo tính ổn định và lâu dài. Về phía tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tăng Bính yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp; kịp thời cung cấp thông tin về dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ; cung cấp và hướng dẫn đầy đủ các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc nông sản đảm bảo chất lượng đầu ra; làm đầu mối thiết kế và kết nối các kênh phân phối nông sản mang tính ổn định và bền vững; xem xét từng bước xây dựng và hình thành thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho từng loại nông sản của tỉnh;... Ông Nguyễn Tăng Bính cũng đề nghị bà con nông dân tích cực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường và sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng; tuân thủ việc trồng trọt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Các hợp tác xã nông nghiệp tích cực kiểm tra, giám sát và hỗ trợ bà con nông dân trong quá trình sản xuất; đồng thời, làm đầu mối để hỗ trợ nông thôn bán nông sản cho các doanh nghiệp theo đúng quy định thông qua các kênh phân phối hàng hóa chính thống, nhằm hạn chế việc thương lái ép giá hàng nông sản. Tại hội nghị các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Quảng Ngãi được phổ biến thông tin, qui định cũng như cách thức hoạt động của một số hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc như: tình hình xuất khẩu dưa hấu và nông sản qua Trung Quốc, một số vấn đề liên quan đến chất lượng dưa hấu, quy định về kiểm dịch cũng như nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu… Từ ngày, 1/4/2018, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam, do đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản phải đáp ứng quy trình sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo yêu cầu về sản phẩm của phía bạn, để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vào thị trường tiềm năng này. Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo, quản lý hoạt động sản xuất nông sản theo đúng quy hoạch, giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch gây ra hiện tượng dư cung một số nông sản như thời gian qua. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu. Nhân dịp này, Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc (Bằng Tường) - ASEAN đã ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản khác với tỉnh Quảng Ngãi.
Sỹ Thắng