Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN |
Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương có nhiều sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây đặc sản… Nhưng thời gian qua, nông dân trong tỉnh sản xuất còn mang tính truyền thống, mẫu mã hàng hóa đơn điệu, chưa tạo được ấn tượng với người tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Trà Vinh còn hạn chế. Hội nghị này nhằm định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh nắm bắt nhu cầu thị trường thông qua việc trao đổi thông tin với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, từ đó tìm giải pháp phát triển cho các mặt hàng nông sản của địa phương phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có gần 2.000 ha trồng cam sành cho sản lượng hơn 30.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu kè; 1.500 ha trồng lạc cho tổng sản lượng gần 29.000 tấn/năm, trồng chủ yếu ở huyện Cầu Ngang; hơn 300 ha trồng thanh long ruột đỏ tập trung ở huyện Càng Long và Châu Thành; 20.000 ha dừa tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tiểu Cần… Ngoài ra, tỉnh có hơn 250 ha nuôi cá lóc, tập trung tại huyện Trà Cú; hơn 700 ha nuôi nghêu, tập trung ở huyện Duyên Hải và Châu Thành. Tỉnh cũng có gần 16.000 ha nuôi cua biển, được thả nuôi tại huyện Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành...
Tại hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành đều cho rằng, để nông sản Trà Vinh có thị trường tiêu thụ bền vững, nông dân phải sản xuất theo chuẩn an toàn, có nhãn mác và truy xuất được nguồn gốc. Vì hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, nông dân phải liên kết sản xuất để có đủ nguồn hàng cung ứng, đáp ứng được yêu cầu hợp đồng của khách hàng…
Các đại biểu tham quan các sản phẩm của Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc VINA T&T GROUP (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, doanh nghiệp của ông đang xuất khẩu 6 loại trái cây chính gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, dừa, vú sữa và xoài sang thị trường Hoa Kỳ. Để nâng cao giá trị hàng nông sản, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn. Vì các sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, tập đoàn của ông mua cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường.
Đối với tỉnh Trà Vinh, VINA T&T GROUP mong muốn được liên kết sản xuất, phát triển diện tích dừa dứa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo khảo sát của VINA T&T GROUP, Trà Vinh có thể đầu tư trồng dừa dứa vì đây là loại đặc sản cũng khá hút hàng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Trà Vinh. Theo đó, tỉnh cần quy hoạch vùng trồng; đồng thời vận động các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ tham gia hợp tác xã để doanh nghiệp có thể kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Chợ Đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, doanh nghiệp chuyên kinh doanh hơn 120 mặt hàng các loại nông sản thực phẩm. Mỗi ngày/đêm, chợ tiêu thụ hơn 2.700 tấn hàng hóa các loại, tổng giá trị ước đạt gần 50 tỷ đồng; trong đó, tỉnh Trà Vinh có khoảng 60 - 80 tấn/ngày, đêm. Các mặt hàng của tỉnh Trà Vinh được mua bán tại chợ chủ yếu là hành tím, dưa hấu cam sành, vú sữa, bưởi, mướp hương, bí... cung cấp cho trên 20 sạp.
Theo ông Tiển, để hàng hóa của tỉnh Trà Vinh vào được Chợ Đầu mối Hóc Môn, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn an toàn, có nhãn mác và truy xuất được nguồn gốc. Đối với thịt lợn, khi vào chợ phải có vòng nhận diện ghi đầy đủ thông tin nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng hóa phải được sơ chế và xử lý rác thải trước khi về Chợ.
Tại hội nghị, Chợ Đầu mối Hóc Môn cũng giới thiệu cẩm nang 70 mặt hàng nông sản; trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin phục vụ nhu cầu kết nối hàng hóa như: tên thương nhân, số quầy/sạp, số điện thoại, quy mô kinh doanh và các thông tin khác của từng mặt hàng để cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu hợp tác.
Bà Trần Thị Thùy Linh, Bộ phận thu mua Thực phẩm tươi sống của Siêu thị Big C cho biết, dự kiến trong tháng 9/2019, Siêu thị Big C sẽ khai trương tại thành phố Trà Vinh. Theo đó, siêu thị sẽ ưu tiên sử dụng nguồn hàng tại địa phương. Hiện nay, 3 sản phẩm của Trà Vinh có thể đưa vào bán tại siêu thị là: cam sành, bánh tét Trà Cuôn và rau sạch của các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hòa