Ngày 30/10, tại Kiên Giang, Cục Quản lý Y – Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Y Dược toàn quốc. Đây là hội thảo được tổ chức lần đầu tiên với chủ đề: Kế thừa, phát huy, phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam. Dự hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền (Bộ Y tế), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Thịnh chia sẻ: Hội thảo tập trung thảo luận và tìm các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở cho đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng góp phần chú trọng nghiên cứu ứng dụng phát triển chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe con người, đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Hội thảo cũng đẩy mạnh thiết lập mô hình kết hợp ba nhà: Nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe; chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: Từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng. Các đơn vị trong hệ thống y dược cổ truyền tăng cường tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực.
Mặc dù được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư phát triển y học cổ truyền nhưng nhận thức về y học cổ truyền vẫn chưa được coi trọng. Đặc biệt, hệ thống đào tạo y học cổ truyền chưa đồng bộ nên Bộ Y tế đang giao lại cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra cho y học cổ truyền. Từ đó theo lộ trình đến năm 2026, học sinh tốt nghiệp phải thông qua kỳ thi quốc gia. Hiện nay cũng đã xây dựng 15 đề án để tiến tới xây dựng Nghị định nhằm phát triển Y học Cổ truyền, dự kiến thời gian tới, sẽ phát triển nguồn dược liệu và sản phẩm mang tính quốc gia. Hội thảo là nơi để kết nối các doanh nghiệp, mang đến những sản phẩm an toàn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng cho người sử dụng, ông Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh.
Chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Liệu Gia Định Nguyễn Việt Hùng cho biết, là đơn vị mạnh dạn đầu tư vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP – WHO, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là đi sâu, kết nối các nhà khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển vùng dược liệu qui mô lớn tại Tây Nguyên phục vụ trong nước tiến tới xuất khẩu. Trước mắt, các doanh nghiệp là mũi nhọn để phát triển vùng dược liệu cùng các hợp tác xã, các hộ dân. Về phía các viện nghiên cứu, trường Đại học thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên ngành giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nắm bắt thêm các kiến thức khoa học và cây dược liệu.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, mục tiêu của Hội thảo lần này nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn; tạo diễn đàn để các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền công bố những kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, Hội thảo cũng là dịp để công bố, trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực y dược cổ truyền để y dược cổ truyền phát triển.
Ban Tổ chức đã nhận được 81 báo cáo tham luận, trong đó có 26 báo cáo kết quả nghiên cứu về lâm sàng, 15 báo cáo kết quả trong nghiên cứu điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, 12 báo cáo kết quả trong nghiên cứu thực nghiệm, 10 báo cáo kết quả về nghiên cứu bào chế, nghiên cứu về dược liệu và 18 báo cáo về kết quả nghiên cứu về chính sách, khảo sát, nghiên cứu lý luận.
Trong khuôn khổ các phiên báo cáo, ngoài các báo cáo kết quả nghiên cứu có phần giới thiệu về công nghệ và quá trình hoạt động nghiên cứu của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y dược cổ truyền.
Minh Hà