Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang có nghề thủ công truyền thống tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh : Trần Quốc Việt - TTXVN |
Ông Lê Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh cho biết, để thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ngay từ khi bắt đầu thực hiện đề án, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện chỉ đạo việc điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng cũng như điều kiện học nghề của lao động địa phương. Qua đó, cơ quan chức năng xác định các nhóm ngành nghề đào tạo phù hợp với tình hình thực tế của từng đối tượng ở từng xã. Trong đó, các nhóm ngành nghề ngư nông nghiệp như kỹ thuật nuôi tôm luân canh trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa, sản xuất rau an toàn và một số nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp như sửa chữa máy nổ, xe gắn máy và một số nghề thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác được nhiều lao động lựa chọn. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện An Minh đã mở 16 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó 7 lớp nghề phi nông nghiệp và 9 lớp nghề nông nghiệp. Sau khi hoàn thành các lớp học có trên 75% học viên tìm được việc làm, chủ yếu là việc làm tại chỗ.
Vân Khánh Tây là một trong những xã của huyện An Minh thực hiện tốt công tác đào tạo nghề. Không chỉ chú trọng đến nâng cao chất lượng đào tạo mà tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm của xã luôn đạt tỷ lệ cao. Phát huy những kết quả đã đạt được, xã Vân Khánh Tây vừa mở lớp dạy nghề may công nghiệp với 24 học viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu, học viên lớp may công nghiệp cho biết, tham gia lớp học mục đích là có nghề để có thêm thu nhập cho gia đình. Nếu không đi làm cho các công ty may, chỉ nhận may tại nhà chị cũng có thể may kiếm thêm thu nhập.
Để tạo việc làm góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Minh đã phối hợp với các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Kiên Giang mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn giúp người dân giải quyết việc làm tại chỗ. Anh Tạ Chí Nguồn, ngụ ấp Kim Qui 2, xã Vân Khanh Tây cho biết, sau khi tham gia lớp kỹ thuật trồng hoa kiểng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Minh tổ chức tại địa phương, anh đã có thêm nghề mới ngoài trồng lúa. Cuộc sống của gia đình anh đỡ vất vả hơn.
Là huyện nghèo, nhiều xã nhân dân còn khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất ngư nông nghiệp, do đó thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã và đang là hướng đi đúng của huyện An Minh. Theo ông Huỳnh Văn Nọ, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Minh, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tổ chức đào tạo nghề có địa chỉ và đào tạo tập trung cho 4 xã bãi ngang ven biển của huyện hiện có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Lê Sen