Người dân xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) tham gia diễn tập phòng chống cháy rừng. Ảnh: TTXVN phát |
Ông Vũ Trọng Huân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết, trên địa bàn huyện Trạm Tấu hiện có gần 46.000 ha rừng, trong đó có hơn 33.000 ha là rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Đây là địa phương thường xảy ra cháy rừng mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân bất cẩn khi đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc. Đặc biệt, mùa hanh khô lại trùng với thời gian người dân đốt nương để trồng ngô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Người dân xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) tham gia diễn tập phòng chống cháy rừng. Ảnh: TTXVN phát |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong việc phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô năm 2019, đơn vị đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, xã và tăng cường thành viên Ban chỉ đạo xuống cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng cho nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2019-2020. Đơn vị cũng điều chỉnh, bổ sung phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 4 sẵn sàng (chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện và hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng). Huyện tiếp tục phối hợp với các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mường La (tỉnh Sơn La) để trao đổi thông tin, huy động lực lượng khi xảy ra cháy rừng tại các khu vực giáp ranh và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các lực lượng công an, quân sự địa phương trong việc phòng cháy chữa cháy rừng. Cùng với đó, ngành chức năng trên địa bàn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ gia đình, chủ rừng và các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; thường xuyên theo dõi thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để kịp thời thông báo đến bà con nhân dân, nhằm giảm thiểu thiệt hại; nghiêm cấm người dân đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc vào thời gian từ trưa đến chiều và trong những ngày nắng nóng kéo dài; khi đốt nương phải báo cáo thôn, bản, yêu cầu làm đường băng cản lửa và có người canh gác cho đến khi lửa tắt hẳn mới về; xây dựng bản đồ xác định những xã có nguy xảy ra cháy rừng cao để tổ chức diễn tập theo năm, nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân trong phòng cháy chữa cháy rừng.
Diễn tập phòng chống cháy rừng tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát |
Năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện đã chọn xã Bản Mù là nơi tổ chức diễn tập. Với đặc thù là địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, thông qua diễn tập đã nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, nhận thức của người dân trong việc phòng chống cháy rừng. Ông Giàng A Chú, Chủ tịch UBND xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết, toàn xã có gần 7.000 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân trong việc đốt nương làm rẫy được nâng cao. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với ngành kiểm lâm hướng dẫn bà con đốt nương theo đúng quy trình kỹ thuật, khuyến khích đốt nương vào ban ngày, lúc không có gió; đồng thời, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ gia đình, chủ rừng; trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, số vụ cháy rừng trên địa bàn giảm rõ rệt. Trong 2 năm 2018-2019 toàn xã chỉ xảy ra hai vụ cháy, trong đó đã phạt hành chính một vụ với số tiền 50 triệu đồng và yêu cầu gia đình này phải khôi phục lại toàn bộ diện tích rừng bị cháy (khoảng 10 ha). Đây là một bài học mang tính răn đe để các hộ khác tuân thủ theo đúng quy định khi đốt nương. Anh Giàng A Gư, thôn Mù Thấp, xã bản Mù chia sẻ: Trước đây bà con ở trong thôn đốt nương nhiều lắm, vì thế mà số vụ cháy rừng xảy ra cũng nhiều, có năm đến 3-4 vụ. Từ khi được cán bộ xã, kiểm lâm tuyên truyền về hậu quả của việc đốt nương, kỹ năng cơ bản khi đốt nương thì tôi và các hộ khác đã hạn chế đốt nương gần khu vực có rừng. Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân mà số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Trạm Tấu giảm rõ rệt. Trước năm 2017, trung bình mỗi năm tại huyện Trạm Tấu xảy ra 5-6 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại lớn; từ năm 2017 đến nay số vụ cháy giảm xuống chỉ còn 1-2 vụ, với diện tích không lớn. Cùng với đó, từ khi người dân được nhận nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chính sách giao khoán diện tích rừng cho người dân bảo vệ nên ý thức chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng tốt, nâng độ che phủ lên gần 62%. Năm 2018, toàn huyện Trạm Tấu có hơn 37.000 ha diện tích rừng được cung ứng dịch vụ môi trường rừng, với số tiền được chi trả gần 25 tỉ đồng. Nhìn chung, những năm qua công tác phòng chống cháy rừng luôn được huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm. Toàn huyện đã thành lập được 12 Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã; 12 tổ cơ động với gần 400 người của 12 xã, thị trấn. Tại các thôn, bản cũng đã thành lập 65 tổ, đội bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng với gần 700 người. Việc xây dựng lịch trực phòng chống cháy rừng và ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm 4 tại chỗ cũng được quan tâm. Ngành chức năng còn tổ chức họp thôn 64/64 thôn, bản để ký cam kết bảo vệ rừng cho hơn 5.300 lượt hộ gia đình…
Việt Dũng - Đinh Thùy