Huyện miền núi Trà Bồng phát triển rừng bền vững

Rừng keo đạt chuẩn FSC của người dân Trà Bồng. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Rừng keo đạt chuẩn FSC của người dân Trà Bồng. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi xem kinh tế lâm nghiệp là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Do đó, huyện tập trung vận động người dân trồng cây gỗ lớn, trồng rừng đáp ứng tiêu chuẩn FSC (chứng nhận do Hội đồng quản lý rừng quốc tế công nhận cho các khu rừng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, kinh tế và xã hội), từng bước hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ lâm sản, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Huyện miền núi Trà Bồng phát triển rừng bền vững ảnh 1Rừng keo đạt chuẩn FSC của người dân Trà Bồng. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Trà Bồng là huyện miền núi địa đầu phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở sườn núi phía Đông của dãy Trường Sơn nên địa hình có độ dốc rất lớn, với diện tích đồi núi chiếm phần lớn đất đai trong huyện. Huyện có hơn 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó đa phần là người Cor. Đời sống người dân chủ yếu bằng nghề làm rẫy, làm ruộng, trồng quế, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm,…

Những năm gần đây, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng tập trung khuyến khích người dân, nhóm hộ phát triển, chuyển đổi từ rừng trồng keo sang rừng trồng cây gỗ lớn, quý hiếm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vườn cây sến gần 1 ha của gia đình ông Phạm Ngọc Thông ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình đã hơn 5 năm tuổi. Theo ông Thông, cây sến có đặc điểm thân thẳng, cao, ít tán, gỗ chắc, thích hợp xẻ đà làm nhà. Một cây gỗ sến trên 5 năm tuổi có giá trên 4 triệu đồng. “Khi trồng cây gỗ lớn thì dưới tán rừng có thể trồng các loại cây ngắn ngày như thơm, ớt, gừng gió,… Từ đó có thêm thu nhập thường xuyên. Thấy được lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, tôi đang mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, đồng thời triển khai ươm cây giống để bán”, ông Thông cho hay.

Huyện miền núi Trà Bồng phát triển rừng bền vững ảnh 2Rừng Sến của người dân Trà Bồng (Quảng Ngãi). Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Còn thôn Bình Tân, xã Trà Bình, hiện đã chuyển đổi 3 ha đất rừng do thôn quản lý từ trồng keo sang trồng rừng cây gỗ lớn với 2 loại cây chính là lim xanh và sao đen. Hiện nay, rừng cây đang phát triển tốt.

Ông Võ Sỹ Phi, Chủ tịch UBND xã Trà Bình, cho biết, song song với trồng keo để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thì nhân dân xã Trà Bình cũng đã chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, đặc biệt là những loại cây có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân, tổ chức trồng cây gỗ lớn, huyện Trà Bồng cũng đang triển khai trồng rừng đáp ứng tiêu chuẩn FSC, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Ông Hồ Văn Kim, thôn 5, xã Trà Thủy có 6 ha rừng keo được trồng, bảo vệ theo tiêu chuẩn FSC. Theo ông Kim, tham gia dự án, ông được hỗ trợ 500 nghìn đồng/1ha để chăm sóc, bảo vệ rừng; đồng thời được tập huấn, đào tạo kĩ thuật trồng rừng, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh.

Ông Kim cho biết: “Khi được chính quyền vận động trồng rừng theo tiêu chí FSC, tôi và gia đình cũng rất lo lắng. Vì khi trồng rừng theo tiêu chí này phải tuân thủ nhiều quy định như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì… Đây là những việc tôi và bà con ở đây chưa từng làm khi trồng rừng. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng rừng theo tiêu chí FSC, bà con nhận thấy sản phẩm gỗ được thu mua với giá cao hơn trồng truyền thống khoảng 25%-30%; đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp nên thị trường tiêu thụ luôn được đảm bảo”.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 263.000 ha rừng; trong đó, có 106 ha rừng tự nhiên và hơn 156.000 ha rừng trồng. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10.000 ha rừng đạt tiêu chí FSC tại 2 huyện Trà Bồng và Ba Tơ. Trong đó, huyện Trà Bồng có khoảng 7.600 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC với hơn 1.000 hộ dân ở 8 xã tham gia thông qua nhóm chủ rừng là Công ty cổ phần Lâm sản Xuân Lộc; còn tại huyện Ba Tơ có khoảng 2.500 ha. Mục tiêu của Quảng Ngãi đến năm 2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt khoảng 20.000 ha.

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng, chủ trương của địa phương trong thời gian tới là khuyến khích trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tổ chức phát triển các hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp, để hình thành các vùng nguyên liệu canh tác theo quy trình chuẩn, có chứng chỉ FSC.

Qua một thời gian trồng rừng gỗ lớn, rừng đạt tiêu chuẩn FSC, người dân đã thấy được lợi ích cụ thể như giá thành sản phẩm cao, thị trường tiêu thụ đa dạng. Tuy nhiên, do đời sống người dân địa phương còn khó khăn, nhiều người muốn thu lợi nhanh và tránh rủi ro nên vẫn thu hoạch cây rừng sớm so với chu kỳ.

Do đó, để người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn cũng như rừng đạt chứng chỉ FSC, UBND huyện Trà Bồng đã hỗ trợ bà con cây giống, đào tạo kỹ thuật, đồng thời để đảm bảo đời sống cho người dân trong những năm đầu tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, huyện hỗ trợ thêm gạo cho bà con.

Huyện miền núi Trà Bồng phát triển rừng bền vững ảnh 3Rừng Sến gỗ lớn có trồng quế, thơm dưới tán rừng. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có rừng, UBND huyện Trà Bồng cũng kiến nghị cơ quan chức năng cấp trên có thêm chính sách hỗ trợ người trồng rừng theo hướng bền vững như tăng tiền quản lý bảo vệ rừng, thành lập các hợp tác xã do người dân làm chủ, kết nối chủ rừng với doanh nghiệp, bà Thúy cho biết thêm.

FSC là Hội đồng quản lý rừng quốc tế, được thành lập từ năm 1993. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát việc khai thác rừng bền vững. Chứng chỉ FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu. Nhưng để có được chứng chỉ rừng FSC, chủ rừng phải đảm bảo thực hiện 10 bộ nguyên tắc và 56 tiêu chí do các tổ chức quốc tế về cấp chứng chỉ rừng FSC đưa ra, như hộ dân phải liên kết thành nhóm hộ; cây con gieo bằng hạt, giâm cành bằng hom; không được sử dụng các loại chất hóa học và phân bón đã bị FSC cấm...

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm