Huyện miền núi Quan Sơn xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới

Với đặc thù có 64 km đường biên giới tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay và Sầm Tớ thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào), những năm qua, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) đã xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải gắn với bảo vệ an ninh biên giới. Theo đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức đồng lòng của đồng bào các dân tộc, đến nay xây dựng nông thôn mới bước đầu đã trở thành phong trào sâu rộng, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.

vna_potal_thanh_hoa_xay_dung_nong_thon_moi_gan_voi_bao_ve_chu_quyen_an_ninh_bien_gioi_7268946.jpg
Đường bê tông đến các bản của xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh tư liệu: TTXVN

Na Mèo là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn, có tổng diện tích tự nhiên hơn 12 nghìn ha, với 4 dân tộc cùng sinh sống gồm Thái, Mường, Mông, Kinh. Xã có 4/9 bản giáp đường biên giới với nước bạn Lào, với chiều dài 28,3km chủ yếu rừng núi cao hiểm trở. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện xã có 5/9 bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Thành quả từ xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mạng lưới giao thông trên địa bàn xã được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là những tuyến đường kết nối đi các bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng giáp biên giới nước bạn Lào. Điển hình như Dự án đường giao thông từ bản Son đi bản Ché Lầu, xã Na Mèo; Dự án đường giao thông liên xã từ bản Ché Lầu (xã Na Mèo) đi bản Mùa Xuân, bản Khà (xã Sơn Thủy); Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Sơn Thủy - Na Mèo... Các dự án này hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy giao thương với các bản của nước bạn Lào mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, qua đó đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

e36560748966f7b7e540c5ae0ac26d6d.jpeg
Người dân các xã vùng cao huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ông Phạm Đức Lương, Bí Thư Đảng ủy xã Na Mèo (Quan Sơn) cho biết, trên thực tế, đồng bào vùng biên giới càng khá hơn về kinh tế, được học tập nâng cao trình độ nhận thức, được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng nhiều dịch vụ và hệ thống hạ tầng thiết yếu sẽ càng thuận lợi cho công tác bảo vệ an ninh, không bị các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo. Theo đó, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân… Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã từng bước được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn ở các bản đã đổi thay.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ đường biên cột mốc. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 37,3 km đường biên giới, với 12 vị trí/15 mốc quốc giới; quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh, thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, đảm bảo an ninh trật tự các xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn). Bên kia biên giới của địa bàn đơn vị phụ trách là huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Theo Trung tá Trương Văn Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, cùng với các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội… cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác ngoại giao nhân dân với hai cụm Mường Xôi và Mường Pùn thuộc huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đơn vị thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ sang hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước, nuôi cá tại các bản biên giới nước bạn. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đã xây dựng được 1 nhà văn hóa và 4 nhà tình nghĩa cho người dân tại bản Lơi thuộc cụm Mường Pùn. Đồn cũng nhận đỡ đầu 2 em học sinh ở bản Lơi theo chương trình “Nâng bước em tới trường” với số tiền là 500.000 đồng/tháng/em. Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã góp phần tô thắm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai bên khu vực biên giới.

vna_potal_thanh_hoa_xay_dung_nong_thon_moi_gan_voi_bao_ve_chu_quyen_an_ninh_bien_gioi_7268938.jpg
Người dân các xã vùng cao huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trồng hoa tạo cảnh quan sạch đẹp. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đoàn kết xây dựng, bảo vệ vùng biên

Tam Lư là xã đầu tiên của huyện Quan Sơn, cũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, Tam Lư đã xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã trên 90 tỷ đồng, trong đó đóng góp của người dân và cộng đồng gần 38 tỷ đồng, chiếm 42%. Nhiều mô hình kinh tế như chế biến lâm sản, phát triển cây vầu giống và các sản phẩm từ vầu, các mô hình gia trại… được người dân mạnh dạn áp dụng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.

Ông Lê Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư cho biết, Tam Lư là xã biên giới, phía Nam giáp cụm Mường Pao, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Với đặc thù ở vùng biên, địa phương luôn xác định phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ không thể tách rời nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Theo đó, xã tăng cường tuyên truyền để đồng bào các dân tộc nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình xây dựng nông thôn mới là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại để người dân tích cực học hỏi, tham quan, chủ động xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi cho thu nhập tốt. Có kinh tế, người dân sẽ nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; không bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo…

Đến nay, Quan Sơn có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 56 bản nông thôn mới. Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải gắn với bảo vệ an ninh biên giới, Quan Sơn đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông kết nối các xã vùng biên của huyện với các bản của nước bạn Lào. Với hơn 60 km chạy qua địa bàn huyện Quan Sơn, Quốc lộ 217 đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư khang trang và mở rộng, tạo đà thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt - Lào cũng như người dân trong khu vực.

vna_potal_thanh_hoa_xay_dung_nong_thon_moi_gan_voi_bao_ve_chu_quyen_an_ninh_bien_gioi_7268936.jpg
Xây dựng đường nông thôn tại huyện miến núi Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh tư liệu: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: Hai năm qua huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 139 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm để giữ vững an ninh biên giới. Công tác ngoại giao với các huyện bên nước bạn cũng được chú trọng nhằm xây dựng mối quan hệ đoàn kết. Tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng những năm gần đây, huyện đều hỗ trợ các huyện Viêng Xay, Sầm Tớ (Lào) nhiều công trình và mô hình kinh tế.

Theo biên bản ký kết hợp tác, từ năm 2023, hằng năm Quan Sơn hỗ trợ mỗi đơn vị bạn 500 triệu đồng tiền mặt, trong đó có xây dựng một mô hình sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đang hỗ trợ huyện Viêng Xay triển khai mô hình trồng lúa nước với trên 60 ha. Nhờ các chương trình tương trợ và chia sẻ lẫn nhau, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới rất đoàn kết, an ninh vùng biên ổn định.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện thường xuyên từ huyện, xã đến thôn, bản. Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc ở Quan Sơn tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh - trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia bảo vệ quản lý rừng, các tuyến đường biên, cột mốc góp phần trong công tác bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn...

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm