Nhờ sự quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn lực của Trung ương và cấp tỉnh, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là tiền đề quan trọng để huyện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và vươn lên thoát khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.
Đồng bào M’Nông thành công với cây lúa nước sau khi nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón từ ngành nông nghiệp huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Ưu tiên nguồn lực cho huyện nghèo
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn hơn 30%, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 45%. So với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện giảm gần 20%, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm gần 30%.
Hiện Tuy Đức có hơn 65.000 dân, với 23 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 43%, nhiều nhất là đồng bào M’Nông, Ê đê, Mông, Tày, Nùng, Dao, Thái… Toàn huyện Tuy Đức vẫn còn hơn 5.400 hộ thuộc diện nghèo, trong đó có gần 3.200 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy Đức là huyện nghèo vùng biên giới và là địa phương thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông. Huyện có diện tích tự nhiên rộng (hơn 110.000 ha), dân cư thưa thớt, điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông còn rất nhiều hạn chế. Toàn huyện hiện có 6 xã với 73 thôn, bon, bản thì có tới 5 xã và 53 thôn, bon, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức, giai đoạn 2016 - 2020, huyện được phân bổ hơn 150 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ theo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và khu vực vùng sâu, vùng xa (chương trình 135) hơn 48 tỷ đồng, vốn hỗ trợ theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (chương trình 30a) hơn 103 tỷ đồng. Đây là một nguồn lực quan trọng để huyện Tuy Đức phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo…
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện Tuy Đức được tập trung đầu tư hoàn thiện. Các tuyến đường lớn đi qua địa bàn huyện như Quốc lộ 14C, Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 6… đang được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 70%; 100% bon, buôn, bản trên địa bàn huyện Tuy Đức có đường được cứng hóa. Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đều đạt, vượt so với mục tiêu đề ra.
Tập trung khai thác tiềm năng, ưu tiên xóa đói giảm nghèo
Theo ông Trần Viết Cự - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, địa phương được thiên nhiên ưu đãi với đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, nguồn nước dồi dào… và có ưu thế riêng trong phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Huyện Tuy Đức có gần 60.000 ha đất nông nghiệp. Diện tích cây công nghiệp chiếm gần 80% tổng diện tích cây trồng các loại, trong đó có gần 20.000 ha cà phê, hơn 5.500 ha cao su, khoảng 4.100 ha điều và hơn 2.200 ha hồ tiêu… Nhiều khu vực đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản ổn định, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nổi bật nhất là cây cà phê với sản lượng hàng năm trên 47.000 tấn, đóng góp khoảng 65% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp. Các loại nông sản chủ lực khác như cao su có sản lượng mủ khai thác gần 4.200 tấn/năm; hạt điều khoảng 4.800 tấn/năm; hồ tiêu gần 4.000tấn/năm; khoai lang hơn 12.000 tấn/năm…
Những năm qua, nhiều địa phương của huyện Tuy Đức, nhất là các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số đã phát triển mạnh việc trồng, chế biến mắc ca. Tổng diện tích mắc ca tại các địa phương vào khoảng 1.300 ha. Đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số; được đánh giá giàu tiềm năng về kinh tế và môi trường. Trên thực tế, loại cây này trồng tại Tuy Đức cho năng suất, sản lượng, chất lượng vượt trội hơn hẳn so với nhiều địa phương khác.
Cũng theo ông Trần Viết Cự, mặc dù sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và quá trình phát triển chưa bền vững. Thu nhập của một bộ phận người dân sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thật sự ổn định. Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng nông sản chủ lực luôn ở mức thấp, thời gian gần đây, nông dân thường xuyên gặp phải tình trạng “được mùa mất giá”. Do đó, huyện Tuy Đức xác định bên cạnh nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng cường các biện pháp hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, huyện sẽ chú trọng tập trung xây dựng một số thương hiệu nông sản chủ lực nhằm định hướng cho sản xuất phát triển, hình thành các vùng chuyên canh nông sản tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
“Chúng tôi định hướng sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản chủ lực. Hiện nay, Tuy Đức được biết đến với nhiều sản phẩm nông sản nổi bật, đặc thù địa phương như: khoai lang Tuy Đức, mắc ca Tuy Đức… Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu nông sản như cà phê rang xay, hạt tiêu, mắc ca… và bước đầu gặt hái thành công.”, ông Trần Viết Cự cho biết thêm.
Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 4, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức vào tháng 8/2020, Đảng bộ huyện Tuy Đức xác định một trong những mục tiêu tổng quát, trọng tâm trong nhiệm kỳ mới là “quyết tâm đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước”. Huyện xác định từ nay đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm ít nhất 3%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm ít nhất 4%. Tuy Đức xác định đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm. Huyện ưu tiên cho lĩnh vực này theo định hướng ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển các loại cây trồng có thế mạnh và xây dựng các trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa. Huyện cũng tập trung xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và tập quán sản xuất, canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đảm bảo “chỗ đứng” của người nghèo quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hưng Thịnh