* Vươn lên thoát nghèo
Buôn Đôn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47%. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên đời sống còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Những năm gần đây, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách, đời sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước đây, gia đình bà H’Khưa HĐơh, tại buôn Jang Lành, xã Krông Na thuộc diện hộ nghèo, có ít đất sản xuất, chủ yếu làm nông, ai thuê gì làm nấy. Niềm vui đến vào năm 2017, khi gia đình bà được xã Krông Na hỗ trợ 2 con dê trị giá 13 triệu đồng, đầu tư chuồng trại. Đến năm 2020, đàn dê đã phát triển lên 10 con. Nhận thấy nuôi bò thu lợi cao hơn, bà H’Khưa quyết định bán dê để nuôi bò. Từ số tiền bán đàn dê, bà mua 2 con bò. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 6 con. Năm 2023, gia đình bà đã thoát nghèo.
“Được sự quan tâm của các cấp chính quyền gia đình tôi đã thoát nghèo, nuôi được các con ăn học. Tôi rất cảm ơn chương trình hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện để gia đình tôi phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt hơn”, bà H’Khưa HĐơh chia sẻ.
Gia đình ông Y Chít Niê, tại buôn Jang Lành cũng được UBND xã Krông Na hỗ trợ 2 con bò giống để phát triển kinh tế vào năm 2022. Hiện đàn bò đã tăng lên 4 con. Ông còn có thêm nguồn thu từ trồng 1ha sắn (cây mì) để phát triển kinh tế. Mỗi năm, tổng số tiền gia đình kiếm được là khoảng 100 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2023, gia đình ông đã thoát nghèo.
“Nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi con bò giống, tôi rất mừng. Gia đình tôi đã thoát nghèo, từ đây tôi yên tâm ổn định cuộc sống”, ông Y Chít Niê cho biết.
Buôn Jang Lành có 242 hộ, với 97% người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, trồng ngô, đậu, nuôi bò, trâu… Từ năm 2019 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống người dân phát triển nhiều. Địa phương được thụ hưởng nhiều chương trình giảm nghèo, hỗ trợ làm đường, xây nhà, vay vốn hỗ trợ việc làm, chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống…
Trưởng buôn Jang Lành Y Én Êban, từ các chương trình, chính sách được thụ hưởng, đời sống của bà con được nâng lên, năm 2023, số hộ nghèo trong buôn chỉ còn 98 hộ. Vừa qua, tại buôn có 10 hộ được hỗ trợ bò giống để phát triển sinh kế. Các hộ có khả năng, tích cực lao động, có hướng phát triển được lựa chọn và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Xã Krông Na cách trung tâm huyện Buôn Đôn 18 km, có 46,7 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Monđulkiri (Campuchia). Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na thông tin, địa phương được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững như hỗ trợ sản xuất, cây, con giống… đã tiếp thêm sức cho bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Từ khi có chương trình, đời sống bà con nhân dân bớt khó khăn, kinh tế phát triển hơn, nhiều hộ thoát nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại xã giảm 3,81% (kế hoạch 3-5%), địa phương có 23 hộ thoát nghèo.
“Thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, xã có chương trình, kế hoạch cho bà con đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm sẽ đề nghị huyện phê duyệt dự án để triển khai sớm, hỗ trợ cho bà con thực hiện chương trình phát triển sản xuất được đảm bảo”, ông Y Lươm Knul thông tin.
* Nhiều mô hình, chính sách được triển khai
Đến Buôn Đôn những ngày giáp Tết, không khí tươi vui vì đời sống người dân đã khấm khá hơn. Những ngôi nhà khang trang hiện lên; các đường nhánh, đường thôn, buôn được bê tông hóa đến tận ngõ từng nhà; điện, đường, trường, trạm, các công trình được đảm bảo phục vụ công tác dân sinh… Sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp người dân tiếp cận chương trình hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp trên 1.200 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn ở mức vốn trên 61,9 tỷ đồng; tập huấn hướng dẫn cách làm ăn cho khoảng 450 lượt hộ nghèo; mở 8 lớp đào tạo nghề cho 280 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, trên địa bàn. Đồng thời cấp mới, gia hạn 55.145 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, người có công… Đến nay, huyện còn 5.312 hộ nghèo, chiếm 29,98% (giảm 3,96% so với năm 2022), đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Theo ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và xã hội huyện Buôn Đôn, bên cạnh các chương trình trước đây, huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (1719) và chương trình nông thôn mới. Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng tham mưu phê duyệt, thẩm định Dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất và Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Cả hai dự án đều được phê duyệt với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Chương trình 1719, Phòng phối hợp tham mưu, phê duyệt 7 dự án với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng. Đến năm 2024, các chương trình sẽ được triển khai.
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, năm 2023, trên cơ sở rà soát, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 3,9%, đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Đây là kết quả khả quan và tương xứng, người dân đều đồng thuận, vui vẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr, dù có kết quả tích cực nhưng quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo, địa phương vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể là còn lúng túng với các văn bản hướng dẫn; chương trình giảm nghèo được phê duyệt vào cuối năm 2023, nên chưa triển khai thực tế…
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa chương trình giảm nghèo cho người dân, các cấp chính quyền địa phương huyện Buôn Đôn tiếp tục có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, trên cở sở phối, kết hợp với các ngành, chỉ đạo các xã theo dõi xuyên suốt.
“Việc giữ mức độ giảm nghèo đã khó, để thoát nghèo càng khó hơn. Để đạt được mục tiêu đề ra thì cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, đặc biệt là hệ thống thôn, buôn, già làng, người uy tín… Đây là cầu nối, kết nối trực tiếp thông tin người dân với địa phương. Thời gian tới, các cấp, ban, ngành cần nghiên cứu thêm chính sách, đặc biệt là triển khai chương trình 1719, tăng cường thu hút nhà đầu tư. Tỉnh cần có cơ chế đặc thù với huyện biên giới còn khó khăn, có thể xây dựng nhà máy để bà con có công việc ổn định...", ông Y Si Thắt Ksơr nói.
Nguyên Dung