Huy động nguồn lực, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc

Để nâng cao mức sống cũng như thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động nhiều nguồn lực, đồng thời lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, giúp đồng bào có thêm điều kiện phát triển sản xuất, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.

998_z5272094952867_ad8ac6c273dce4eedb44a6a6cc173edf.jpg
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, gia đình anh Hoàng Văn Lâm ở thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đầu tư phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 11 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; 100% các xã miền núi có trạm y tế, đa số thôn có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hệ thống các thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố và quan tâm đầu tư. 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 54 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%.

Trước đây, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên là một trong những xã nghèo với 58% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí hạn chế, đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Ông Lưu Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ chia sẻ: Để nâng cao đời sống cho đồng bào, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để người dân tham gia hỗ trợ vay vốn, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất. UBND xã còn phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp đưa các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình sản xuất sản nông nghiệp hiệu quả để áp dụng. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có sự thay đổi rõ rệt, việc làm ổn định, thu nhập ngày càng nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Xã Đạo Trù từng thuộc diện khó khăn nhất huyện Tam Đảo với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, nhờ được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi..., đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao đáng kể.

Ông Lưu Xuân Năm, Bí thư xã Đạo Trù chia sẻ: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng lồng ghép các chương trình giảm nghèo gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, xã Đạo Trù ngày càng có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao từ các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, như mô hình chăn nuôi gà, ong, lợn… Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 54 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,2%.

Theo kế hoạch, hằng năm, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi xã xây dựng 1 mô hình/dự án chăn nuôi lợn tập trung; 1 mô hình/dự án trồng cây ăn quả, hoặc rau an toàn với nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ tương ứng là 50% và 70%, tối đa không quá 3 tỷ đồng/mô hình. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ mỗi xã từ 1- 3 mô hình/dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xây dựng 2 mô hình trồng cây ăn quả và một mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 159 hộ, đối tượng người dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, năm 2023, tại 11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 8 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đạt chất lượng từ 3 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên 22 sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc có nhu cầu học… từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với bình quân chung của cả tỉnh.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm