Trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chọn lựa cây trồng nào để vừa tăng độ phủ rừng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao thì ở một số huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ như Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn đã sớm bứt phá nhờ khám phá ra ưu thế của cây quế. Đây được coi là hướng đi mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
“Đổi đời” nhờ cây quế
Đi dưới tán quế ken dày, tỏa hương thơm ngào ngạt trên những triền đồi ở huyện Yên Lập, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới mà cây quê đem lại cho vùng đất này. Nhiều diện tích đất trồng keo, bạch đàn, đất đồi núi trọc được người dân phủ xanh bằng cây quế.
Hơn 10 năm trước, cũng như bao người dân ở vùng núi khó khăn Yên Lập, gia đình bà Triệu Thị Vân, xã Thượng Long, huyện Yên Lập chỉ biết trông chờ vào cây lúa, cây ngô hoặc chăn nuôi vài con gà, lợn. Bởi vậy, kinh tế của gia đình bà luôn khó khăn. Nhưng nhờ ươm giống, trồng quế và chế biến các sản phẩm từ quế, gia đình bà đã "đổi vận", thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục người với mức thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.
Bà Vân chia sẻ, trước kia, người dân trong khu chủ yếu trồng keo, chỉ một số ít hộ tự phát trồng cây quế. Nhận thấy cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sinh trưởng nhanh và bán được từ rễ, vỏ, gỗ, cành, lá, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng khác nên người dân đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng diện tích.
Gia đình bà Vân cũng trồng 12 ha; trong đó, 8ha đã cho thu hoạch, Ngoài ra, bà Vân còn ươm bán cây quế giống, trung bình 1 năm bán khoảng 80 vạn cây với giá dao động từ 1.000 – 1.200 đồng/cây; thu mua và chế biến các sản phẩm từ quế như cành quế, vỏ quế, lá quế.
Lãnh đạo xã Thượng Long cho biết, xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích. Hàng năm, UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế.
Yên Lập hiện có khoảng 1.725 ha trồng quế, tập trung chủ yếu ở các xã Trung Sơn, Thượng Long, Nga Hoàng...;phấn đấu đến năm 2025 tăng lên 2.500 ha. Nhờ cây quế hàng năm đã tạo công ăn việc làm cho trên 7.500 người, mang lại giá trị kinh tế hàng năm trên 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với nhận thấy cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân vùng dân tộc Mường, Dao, Mông ở khắp các xã trên địa bàn huyện Yên Lập đã nhận đất chuyển đổi sang trồng quế. Diện tích quế tăng dần theo từng năm, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhờ đó bớt nghèo. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ quế.
Thời gian tới, huyện Yên Lập khuyến khích các cơ sở liên kết với các doanh nghiệp, chế biến tinh dầu quế, vỏ quế, gỗ quế cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế để tạo đầu ra ổn định cho cây quế, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn tại xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, cây quế cũng dần trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Ông Phùng Sinh Quyên, Bí thư chi bộ khu Lóng chia sẻ, nhờ trồng quế mà đồng bào dân tộc Mường, Dao ở Lóng dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Nhiều gia đình có tiền tỷ gửi tiết kiệm. Năm 2018, con đường vào khu được nâng cấp, hoàn thành, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, con cái được ăn học đàng hoàng.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt cho hay, toàn xã có 300 ha diện tích trồng quế, tăng 200 ha so với năm 2018. Những năm trước, bà con trong xã chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, với sự nhạy bén nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng quế.
Đây là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, được đồng bào dân tộc nơi đây coi là “vua” của các loại cây lâm nghiệp trên địa bàn xã. Theo phân tích của đoàn khảo sát, cây quế trồng trên đất Thạch Kiệt cho thu nhập cao gấp 3-5 lần cây keo ở chu kỳ khai thác 7 năm và tăng lên 8-9 lần nếu để 10-12 năm mới thu hoạch. Chất lượng tinh dầu quế của xã Thạch Kiệt cũng được các cơ sở chế biến trên tỉnh bạn đánh giá rất cao…
Tạo đột phá cho cây quế
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích quế đạt trên 3.000 ha, tập trung ở các địa bàn miền núi như huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập; tăng thêm khoảng 1.100 ha so với hiện nay; trong đó, Yên Lập trồng mới 700 ha; Tân Sơn trồng mới 300 ha và huyện Thanh Sơn trồng mới 100 ha.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2025, theo đó, tỉnh sẽ dành hơn 77 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích cây quế theo hướng hàng hóa; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi; tăng cường liên kết, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đảm bảo dịch vụ đầu vào, đầu ra ổn định cho các thành viên theo chuỗi giá trị, nhằm phát triển cây quế bền vững.
Đặc biệt, xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý quế Phú Thọ; xây dựng vùng trồng quế được chứng nhận hữu cơ tại xã Trung Sơn và xã Thượng Long (huyện Yên Lập), đồng thời tập trung nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển quế trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại về diện tích trồng trên 2.000 ha nhưng quy mô tập trung (≥ 5ha) không nhiều, chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, xen kẽ cùng các diện tích cây trồng khác, chưa hình thành các khu vực trồng tập trung.
Hơn nữa, việc canh tác quế chủ yếu tự phát nên mật độ trồng, kỹ thuật trồng, cây giống, cách chăm sóc không theo quy chuẩn, vì vậy tốc độ sinh trưởng chậm, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm sau khai thác (vỏ, tinh dầu,…) chưa cao, dẫn đến giá trị mang lại thấp, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu của tỉnh, chưa hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm...
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho hay, tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung tuyên truyền, định hướng và chính sách hỗ trợ về phát triển cây quế. Đồng thời vận động các hộ dân liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 5 ha trở lên được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước…
Mặt khác, tỉnh còn vận dụng cơ chế, chính sách đầu tư của trung ương cho lĩnh vực lâm nghiệp vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, đồng thời kịp thời đề xuất với tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ cho phát triển quế, nhất là khâu chọn tạo giống, chế biến và cơ giới hóa lâm nghiệp. Xây dựng kế hoạch gắn với quy hoạch phát triển vùng trồng quế tập trung trên địa bàn huyện Tân Sơn, Yên Lập.
Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu của chuỗi giá trị quế, nhất là khâu chọn, tạo giống có chất lượng, thâm canh và chế biến quế; tích cực tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm quế OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), chỉ dẫn địa lý quế Phú Thọ và sản phẩm quế hữu cơ tại các lễ hội, hội chợ; phát triển thị trường gắn với các khu du lịch…
Ngoài ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu liên kết với nông dân đầu tư sản xuất theo quy trình tiên tiến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm quế Phú Thọ ra các thị trường trong và ngoài nước.
Toàn Đức